(CMO) Là hộ đồng bào dân tộc Khmer, cách đây hơn 20 năm, hai chữ mưu sinh đã làm cho ông Kim Hoàng Minh có cơ duyên đặt chân đến vùng đất ven biển, ấp Đất Biển, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời và rồi gắn bó thành “nợ” đến hôm nay. Nơi mảnh đất nước biển bao quanh ấy, giờ đây không còn đơn thuần là hy vọng về tương lai phía trước như quãng thời gian đầu xa xứ, hay cuộc sống hiện tại mà đã trở thành quê hương thứ hai, gắn bó máu thịt với ông.
Bên căn nhà vừa mới cất xong, ước mơ cả đời cuối cùng đã thành hiện thực, tâm sự về cuộc đời mình, đôi lúc ông Minh cứ ngắt quãng. Ông bảo, không tin được, cứ ngỡ là nằm mơ. Thật sự rất mừng, rất xúc động. Có nhà mới, có cuộc sống tươi sáng ở phía trước và rồi cuối năm 2020 đánh dấu chặng đường thoát khỏi 2 chữ “hộ nghèo”. Đối với ông Minh, tất cả những gì ông đang có là nhờ tình yêu thương của con người ở mảnh đất cuối trời Nam này.
Với ý chí của bản thân, sự trợ lực từ chính quyền, ông Kim Hoàng Minh dần thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên. |
Không ngại khó ngại khổ, nhưng quê hương Sóc Trăng của ông trước đây, dường như không có mấy cơ hội để ông thay đổi cuộc đời. Nghe nói Cà Mau đất rộng người thưa, riêng vùng đất Trần Văn Thời “dễ sống”, vậy là, ông Minh dắt díu cả vợ con đến Đất Biển với hy vọng có được tương lai. Tay trắng, buổi đầu đối với ông là quãng thời gian khổ không kể xiết. Những thiếu thốn khách quan như đường sá, điện chưa có, ông đã quen, ngặt nỗi là không đất ở, không đất canh tác, làm sao mà sống? Trong lúc bế tắc ấy, tình người nơi mảnh đất này làm cho ông có thêm động lực vượt qua gian khó.
“Lúc đó, tuy chẳng quen biết gì nhưng người ta sẵn sàng lên tiếng cho mình mượn đất để ở tới giờ. Bởi vậy, tôi luôn tự nhủ, phải lấy láng giềng làm anh em”, ông Minh bộc bạch.
Có chỗ che mưa che gió, dù chỉ vỏn vẹn là căn nhà gỗ đơn sơ, vài chục mét vuông, nhưng với ông vậy là ổn. Ông bắt đầu hoạch định con đường kinh tế, không đất nuôi tôm thì chọn nghề bỏ mồ hôi để kiếm đồng tiền. Thế rồi, ông Minh bắt đầu phủ màu xanh trên đất mặn.
“Có trong tay nghề trồng màu, tôi xin mượn đất ở tuyến đê biển để trồng. Lúc đầu khó khăn lắm, vì không có nước ngọt để tưới”, ông Minh cho biết.
Điều kiện khó thì chăm chỉ hơn. Vậy là, ngày nào như ngày đó, trừ 2 bữa cơm, còn lại là thời gian ông Minh túc trực nơi liếp rẫy. Sau này, được trợ sức từ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, với 40 triệu đồng, ông Minh có điều kiện mua sắm phương tiện để trồng màu được thuận lợi hơn. Ông cũng mạnh dạn mướn thêm đất để mở rộng diện tích.
Ông Minh cho biết: “Tổng cộng tôi có 5 công đất trồng màu. Tôi trồng quanh năm, tuỳ theo loại hoa màu mà mỗi năm sẽ được 3-4 vụ. Hiện đang thu hoạch dưa leo, mướp và cải xanh. Nói chung, nhờ trồng màu mà thu nhập mỗi ngày khá ổn, có khi vài trăm ngàn, có khi cả triệu đồng”.
Năm nay gia đình ông Minh được hỗ trợ 21 triệu đồng dành cho đối tượng đồng bào dân tộc, gom góp thêm chút tiền, căn nhà tiền chế nho nhỏ vừa mới xây xong. Tuy chưa có mảnh đất của riêng mình nhưng nhìn lại, cuộc sống hôm nay đã ổn định hơn so với trước. Bản thân không thể dựa vào hộ nghèo để hưởng những quyền lợi mà cần dành cho những người khó khăn hơn. Nghĩ thế, ông Minh làm đơn xin thoát nghèo.
Có ý chí, khó khăn nào rồi cũng qua, câu nói ấy quả thật không sai. Với riêng ông Minh, thời gian khó đã qua rồi, chỉ cần cần cù, chịu khó, nhất định tương lai sẽ rộng mở./.
Ngọc Minh