ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 00:15:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Báo Cà Mau (CMO) Qua hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Cà Mau đã thực hiện giải ngân cho hơn 6.400 khách hàng vay vốn, với số tiền gần 193 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm.

NHCSXH tỉnh cũng đã chủ động, làm tốt công tác tham mưu và tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất trong Chương trình.

Ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã góp phần vào việc phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh. Với sự tham gia quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, đến nay các nội dung, hạng mục cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP được triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Cụ thể, với 5 chương trình tín dụng được triển khai đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 5.200 người; giúp hơn 1 ngàn học sinh, sinh viên có điều kiện mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 45 gia đình vay vốn nhà ở xã hội, xây được nhà kiên cố, ổn định cuộc sống…

Nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH giúp Công ty TNHH Sản xuất Thương mai Dịch vụ Kiên Cường có thêm nguồn vốn lưu động, từ đó hoạt động ổn định hơn.

Ðược vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm, ông Huỳnh Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mai Dịch vụ Kiên Cường, Ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, chia sẻ: "Công ty chuyên sản xuất bánh phồng tôm, thị trường tiêu thụ chính ở miền Bắc. Thường mỗi tháng nơi tiêu thụ thanh toán 2 lần, trong khi công ty cần nguồn vốn xoay vòng để mua nguyên liệu sản xuất cũng như trả lương cho người lao động. Vì vậy, nhờ tiếp cận được nguồn vốn chính sách ưu đãi nên công ty có điều kiện hoạt động sản xuất ổn định và ngày càng phát triển".

Ðối với người dân, đồng vốn chính sách ưu đãi cũng đã giúp bà con có nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Bà Huỳnh Kim Tiến, Ấp 2, xã Hàng Vịnh, cho biết: "Nhờ được vay vốn của NHCSXH mà tôi có điều kiện mua nguyên liệu để làm tôm khô, cá khô bán ra thị trường. Nếu như vay vốn bên ngoài thì lãi suất cao hơn, khi đó buôn bán sẽ không còn bao nhiêu vì phải đóng lãi cao".

Từ nguồn vốn giải quyết việc làm, bà Tiến có điều kiện để mua nguyên liệu làm khô bán, tăng thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP vẫn còn một số khó khăn. Như đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội, do trên địa bàn tỉnh hiện chưa có dự án nhà ở xã hội triển khai tập trung, mà chủ yếu là các hộ thu nhập thấp, hộ có nhu cầu xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở nên việc giải ngân đối với một số hộ còn phụ thuộc vào việc hộ vay lựa chọn ngày, tháng thích hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà và còn khó khăn trong vấn đề chứng minh hoá đơn, chứng từ giá trị gia tăng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và tình hình kinh tế thị trường khó khăn, thời gian qua tình trạng người lao động ngoài tỉnh mất việc trở về địa phương ngày càng nhiều và có nhu cầu vay vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn, nhưng hiện nay nguồn vốn cho vay chương trình này còn hạn chế và chưa đáp ứng được hết theo nhu cầu.

Ông Nguyễn Thanh Ðồng cho biết thêm: "Dự kiến năm 2023, theo Nghị quyết 11/NQ-CP sẽ giải ngân 230,1 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 201,8 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 20,7 tỷ đồng; cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28 là 7,6 tỷ đồng. Theo đó, NHCSXH tỉnh sẽ tập trung, đẩy nhanh công tác giải ngân cho vay các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được Trung ương giao ngay từ đầu năm, nhằm tạo điều kiện cho đối tượng thụ hưởng, hộ khó khăn thiếu vốn, tạo việc làm, nhất là người dân bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống tại địa phương. Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và phối hợp với các đơn vị liên quan, các hội đoàn thể nhận uỷ thác và tổ tiết kiệm và vay vốn chủ động nắm bắt tình hình, nhu cầu vay vốn trên địa bàn, để xây dựng, điều chỉnh và bổ sung các chỉ tiêu kế hoạch sát thực tế; đồng thời, hướng dẫn khách hàng có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi nhất"./.

 

Phúc Duy