ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 11:15:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giựt giàn

Báo Cà Mau (CMO) Còn gần một tháng nữa mới tới rằm tháng Bảy, vậy mà hổm rày thằng em út cứ gọi điện rủ về chơi rằm tháng Bảy hoài, nó nói năm nay người ta "thí giàn" nhiều lắm. (Thí giàn là cúng bánh, trái ngoài sân cho trẻ con tự do đến lấy). Trời đất, vừa nghe nó nói tôi tá hoả tâm tinh vì nghĩ nó chơi xỏ, nói mình “cô hồn” nên tắt điện thoại cái rụp mà chẳng cần nói lý do. Lúc sau ngồi bình tâm lại mới sực nhớ hồi đó mình rất mê đi giựt giàn và năm nào cũng bị má đánh sau những buổi giựt giàn ấy. Bởi mười lần như một, khi vừa kết thúc buổi thí giàn chút xíu là có người dắt con tới nhà mắng vốn vì tôi đánh con người ta lăn cù ngoài đường. Chắc là bây giờ nó cũng già rồi nên nhớ lại mấy chuyện xưa rồi rủ mình về chơi vậy mà. Nghĩ vậy thấy mình hồ đồ quá chừng. Định hôm nào gọi nó đính chính một tiếng cho nó vui.

Nhà tôi rất đông anh em, có cả thảy mười một người (bảy trai, bốn gái), vậy mà bà nội tôi lúc nào cũng ước: phải chi vợ thằng Hai sanh thêm cho má mấy đứa nữa cho vui cửa vui nhà thì hay biết chừng nào. Má tôi nghe mà muốn "sụm tại chỗ", nhưng đâu dám có ý kiến ý cò gì. Má kể, ba là con trai độc nhất nên ngày đầu tiên về nhà làm dâu, nội đã nói thẳng thừng: “Cứ sanh cho má nhiều thiệt nhiều con, má nuôi hết, con không cần phải lo chuyện gì ngoài chuyện cho bú. Còn nếu sau ba năm mà không sanh được thì má trả về”.

Minh hoạ: KH

Sanh con là chuyện trời cho chớ đâu phải muốn là được, lại còn đòi nhiều thiệt nhiều nữa, má tôi nghĩ vậy chớ nào dám hé răng. Nhưng trời thương, chỉ vài tháng sau là má có bầu và bắt đầu từ đó sanh liên tù tì cho nội mười một đứa. Kể từ ngày đó, nội không bắt má làm bất cứ chuyện gì, từ giặt giũ, cơm nước đều có người làm, má chỉ có việc cho con bú là xong, còn cháu thì đã có nội ẵm bồng.

Rồi tháng ngày qua nhanh, anh em tôi lớn lên vùn vụt, đồng thời kéo theo nhiều phiền phức khi đứa nào cũng hiếu động. Nổi bật nhất là tôi, đi học về tới nhà là quăng tập cái rẹt lên đầu tủ rồi chạy qua nhà hàng xóm chơi, hết chọc ghẹo con nít thì quay qua rượt đập chó, mèo. Có lần má tôi than với người hàng xóm khi tới nhà mắng vốn: “Cả nhà mình nó lãnh hết, tay chân lúc nào cũng hiếu động, phải làm một cái gì đó chớ ngồi yên nó chịu không nổi, thím thương chị mà thông cảm bỏ qua”. Nói thì nói vậy chớ sau khi khách về là tôi có một trận đòn no nê, chỉ có bữa nào có nội ở nhà mới được cho qua.

Trong các lần bị đánh đó tôi nhớ có một lần tôi đi giựt giàn, quần áo toàn dầu, nhớt nhưng má không đánh mà nhìn tôi từ đầu tới chân rồi hai hàng nước mắt chảy dài làm cho tôi sực tỉnh và không bao giờ dám đi giựt thêm một lần nào nữa.

Chuyện là hồi đó tôi rất “nổi tiếng” về khoản giựt giàn. Nổi tới độ mấy người trong xóm còn đặt luôn cho tôi cái tên nghe rất kinh khủng “An cô hồn”. Cũng vì cái tên đó mà má cấm tiệt không cho tôi léo hánh tới mấy chỗ đó nữa. Cấm thì cấm vậy, chớ năm nào tới ngày đó má cũng bận đi chùa với mấy người hàng xóm. Trước khi đi má dặn dò rất kỹ, có cả hăm he. Nhưng với sự hấp dẫn của những món đồ cúng và sự rủ ren của mấy đứa bạn nên tôi bất chấp.

Thường hằng năm khoảng mùng Chín, mùng Mười tháng Bảy là tụi tôi bắt đầu tụ tập lại, lên kế hoạch và danh sách cụ thể từng nhà trong thị xã, rồi mới bàn tính coi ra quân nhà nào trước.

Theo kinh nghiệm nhiều năm, những nhà mua bán hàng xén người Hoa bao giờ đồ cũng cúng nhiều nên giựt trước, kế đó là nhà máy, xưởng tiện, sau cùng là nhà thầy thợ. Còn phần thủ đoạn trong lúc giựt thì bao giờ tôi cũng ra kế hoạch. Đứa lớn thì xả thân giành những đồ ngon, đứa vừa thì chen lấn mấy đứa nhỏ hơn làm rơi đồ đã giựt xuống cho băng nhà lượm. Còn tôi thì cầm bao bố sẵn bên ngoài để nhận “hàng”, đôi khi tôi còn làm bộ kiếm chuyện với mấy đứa mạnh để nó lo cãi lộn mà quên giựt. Có hôm giựt được không nhiều, tôi còn chỉ huy cho tụi nó đụng vô mấy đứa lượm được nhiều để rơi xuống mà lượm lại. Bây giờ nghĩ lại thấy mình láo thiệt.

Duy chỉ có một lần tôi thất bại mà có lẽ suốt cuộc đời nầy tôi không thể nào quên được. Lần đó tôi đang ngồi học thì thằng Tý chạy đến đứng ngoài cửa lớp ra hiệu có chỗ thí giàn. Tôi liền gởi tập cho thằng Hào giữ dùm, giả vờ xin cô giáo ra ngoài vệ sinh rồi cùng thằng Tý chạy thẳng tới điểm thí giàn. Trên đường đi nó nói chỗ nầy là nhà máy chà gạo giàu lắm, năm nào cũng thí đồ ngon không hà. Nghe nó nói, tôi càng chạy nhanh hơn cho kịp giờ.

Chỗ thí giàn là một nhà máy lớn đồ sộ nằm ở ngoại ô của thị xã. Khi tôi với thằng Tý vừa trờ tới thì ông chủ đứng trên lan can lầu một cũng vừa đổ những trái gì thật to hình hài giống hình trái bưởi nhưng lại có màu đen thẫm. Không cần biết nó là trái gì, tôi lao vào ôm, nhưng nó cứ vuột khỏi tay. Khi tôi mệt lã người, nhìn lại thì cái áo trắng duy nhất mà má đã dành dụm cả năm trời để mua cho tôi đã bị nhớt dính và chuyển thành một màu đen. Có ai đó nói ông chủ nhà máy ác quá đã nhẫn tâm đổ nhớt cặn vào những trái bưởi đó rồi thí cho trẻ con giựt. Tôi nghe tiếng la mắng, chửi rủa của những người mẹ có con giựt trong buổi hôm đó. Nhưng má tôi không nói một câu nào, cứ đứng nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi hai hàng nước mắt của má chảy dài trên mặt làm cho tôi sực tỉnh. Từ đó tôi không còn đi giựt giàn thêm một lần nào nữa./.

Trí Huỳnh

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

Trao 500 triệu đồng tạo sinh kế cho người khuyết tật

Sáng nay (24/9), tại Khách sạn Ánh Nguyệt, Doanh nghiệp xã hội Đời Rất Đẹp (DRD) phối hợp với Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tổ chức Lễ trao vốn sinh kế cho 50 người khuyết tật thuộc Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” trên địa bàn tỉnh.

Hạnh phúc từ những điều không hoàn hảo

Dù bị mất một phần cánh tay phải, nhưng anh Trần Ðông Triều (44 tuổi, ngụ ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) vẫn có thể hoàn thành tác phẩm bonsai và giành giải Ðồng trong Hội thi Tay nghề cấp huyện lần thứ I, do Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Năm Căn tổ chức.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

Tăng cường lập lại trật tự đô thị

Thời gian qua, công tác quản lý, sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường tại các điểm chợ trên địa bàn các xã, phường thuộc TP Cà Mau được triển khai quyết liệt, chuyển biến tích cực, hiệu quả nhằm duy trì thường xuyên, trở thành nền nếp và nâng cao nhận thức của người dân. UBND thành phố phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra công tác sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy...

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

Ấm lòng người khó khăn

Những ngày này, đi qua tuyến đường Châu Văn Ðặng, Phường 5, TP Cà Mau, thấy thật ấm lòng khi bắt gặp thêm một địa chỉ giúp đỡ người khó khăn với mô hình “bánh bao treo”.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.