ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 17:41:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Góc bếp xôn xao

Báo Cà Mau (CMO) Khi còn thanh xuân, chị có yêu một người đàn ông rồi chia tay mỗi người một nơi không biết vì lý do gì. Tất cả những điều anh biết về chị chỉ có thế thôi. Đơn giản như khi người ta nhìn tờ lý lịch trích ngang của một ai đó chẳng có gì ngoài cái tên ngắn ngủn và vài ba con số chỉ ngày tháng năm sinh.

Thế cũng chẳng sao, có biết bao đôi tình nhân đến với nhau mà chẳng cần biết gì về quá khứ. Đám cưới diễn ra, ngày làm cô dâu chị không mất một giọt nước mắt nào. Cô bạn thân thì ôm chị khóc ròng, chị hoa cưới trên tay, môi không ngớt cười, mắt long lanh hạnh phúc. Anh chỉ nhớ hôm ấy chị không muốn rời anh nửa bước, những cái bấu tay rất chặt, thỉnh thoảng chân bước líu ríu như muốn ngã về phía trước. Kỳ lạ thay từng ấy năm sống bên nhau anh vẫn nghĩ chị rất hạnh phúc và chẳng có nỗi mất mát nào…

Minh hoạ:  Minh Tấn

Ừ mà anh cũng chưa bao giờ hỏi chị có vui không? Càng chẳng có thói quen đoán xem chị nghĩ gì? Với anh thì chỉ cần tình yêu dành cho chị thôi là đủ. Anh cứ tưởng cái túi hạnh phúc của tất thảy mọi người đều giống nhau. Rằng chỉ cần có một mái nhà đầy đủ vật chất, vợ chồng thương yêu nhau, con cái đề huề thế là mãn nguyện. Hằng ngày thấy chị vẫn mắt thắm môi cười, vẫn chăm sóc chồng con chu đáo, đời sống chăn gối vợ chồng hoà hợp. Nhưng anh đâu biết rằng trong mỗi cái túi không chỉ chứa đựng nguyên hạnh phúc. Mà cái túi hạnh phúc của chị đã bị thủng một lỗ từ trong quá khứ. Cái quá khứ được chị để trắng trong phần lý lịch của mình. Còn anh thì… dường như anh không phải là người tinh tế hay nhạy cảm.

Thời tiết mấy tuần nay đẹp đến lạ. Thị xã nắng ấm rất đỗi dịu dàng như thể trời đất hào phóng mà ban phát. Trong căn phòng nhỏ tầng hai, thường là nơi chị nằm đọc sách, lúc này nắng đã len lỏi qua khung cửa nhỏ mơn man đùa trên từng ngón chân đang duỗi dài. Chị luôn cảm thấy thư thái khi được sống ở một nơi vừa có chút bình yên lại vừa có cái vội vã để thấy cuộc sống không trì trệ. Lấy anh là lúc chị hoàn thiện bức tranh về tương lai mà mình đã dày công phác thảo suốt những năm tháng thanh xuân.

Chị may mắn hơn mọi người ở chỗ những gì chị mong đều đạt được. Chị sắm nắm hạnh phúc theo cách của riêng mình, nhưng có lẽ người đời nói đúng, ông trời chẳng cho ai cái gì toàn vẹn. Kể cả cuộc sống bình yên hiện tại cũng nhuốm màu mất mát, thứ mất mát mà nếu ở tuổi đôi mươi chị không khi nào muốn đánh đổi. Đàn bà ngoài ba mươi nhìn cái gì cũng điềm tĩnh đến phát sợ, đến nỗi chị có thể ngắm nghía nỗi đau của mình mỗi ngày bằng vẻ bình thản tuyệt đối. Đừng dò tìm điều gì trên môi mắt chị. Những nỗi đau ấy chỉ có Hiên biết rõ, cô bạn thân từ hồi học đại học thỉnh thoảng có ghé qua thị xã nhìn cuộc sống của chị rồi hỏi vu vơ. Nhưng lần này thì Hiên không vu vơ nữa, cô nhìn xoáy vào mắt chị hỏi không chút đắn đo:
- Cậu có yêu chồng mình không?
- Tất nhiên rồi. Rất nhiều là đằng khác.
- Vậy có nghĩa người ta có thể yêu hai người cùng một lúc hay sao?
- Những chuyện xưa kia chỉ là hiện thân của ký ức chứ không còn là hiện thân của một người đàn ông hay một tình yêu nữa. Tớ yêu chồng và yêu ký ức của mình.
Chị khẽ thở dài…
* * *
Anh về nhà vào lúc năm giờ rưỡi chiều, bước những bước dài qua vườn hoa tiến thẳng vào bếp và ôm chị thật chặt từ sau lưng. Ngày nào chị cũng chờ đợi cái ôm ấy để nêm thêm hương vị ấm cúng gia đình. Rồi thì chị sẽ ngồi tựa cằm bên cửa sổ ngắm bàn tay anh thoăn thoắt xào nấu, mùi hành tỏi bốc lên, bát đũa va vào nhau những âm thanh vui nhộn. Sống bên anh chị thấy mình được nâng niu, từ lọ hoa tươi anh cắm trong mọi căn phòng nơi chị sẽ mở cửa bước vào đến những chiếc váy nhiều hoạ tiết điệu đà đẹp nhất có trong thị xã. Đã có lúc chị hỏi anh:
- Anh yêu em nhiều thế có bao giờ anh thấy mệt không?
Anh không vội trả lời, vẫn cặm cụi vắt nước cam, bỏ thêm chút đường khuấy đều trước khi đẩy về phía chị bằng nụ cười ấm áp. Anh bảo:
- Chỉ cần thấy em luôn hạnh phúc là anh vui.
- Vậy còn anh thì sao. Anh có hạnh phúc không?
Hôn nhẹ lên trán chị, anh thì thầm:
- Anh không mong gì hơn thế nữa.
Thế còn chị, chị có thật sự hạnh phúc không khi luôn có một ngăn ký ức ăm ắp lúc nào cũng chực trào? Như lúc ngồi ăn cùng chồng bữa cơm chiều có món cá bống xốt cà chua, chị lại nhớ mình từng có thời nghiện món này ghê lắm. Trong căn phòng ký túc xá chật chội, có một người con trai ngồi gò lưng nấu nướng còn đứa con gái ngồi kế bên chỉ chực thò tay nhúp vụng. Rồi ngồi ăn với nhau một bữa cơm nhễ nhại mồ hôi trong cái nóng nực cực điểm của ngày hè mà vẫn rộn rã tiếng cười. Những lúc cùng chồng tạt qua siêu thị mua đồ, nhìn một người đàn ông lạ ngồi đợi vợ rồi ngủ gật bên dãy ghế chờ, chị bỗng nhớ hình như ngày xưa từng có người hay lẽo đẽo theo mình vào siêu thị, đến lúc mỏi quá cũng tìm chỗ ngồi gục đầu ngủ ngon ơ. Rồi hôm chồng vui mừng trở về nhà cầm theo hai chậu hoa đá nhỏ trên tay, chị chết đứng người khi nhìn thân hình mưa ướt lướt thướt kia đang đứng trước mặt mình. Hùng cũng từng hí hửng trở về trong cơn mưa như thế, hai tay nâng niu hai chậu hoa bé nhỏ. Giây phút xao lòng ấy không làm cho chồng mảy may suy nghĩ, nhưng đã kịp khiến chị tái tê lòng. Phần vì thương chồng, phần vì nhớ nhung ký ức. Nhưng chị biết, nếu trong cơn mưa mà có một chiếc ô chị sẽ nghiêng về phía người đang lúi húi tìm một chỗ ngoài ban công phòng ngủ để đặt chậu cây.

Chuyện tưởng chỉ có thế thôi nhưng cũng đủ làm úa màu hạnh phúc. Dù những cơn gió ký ức dẫu liên tục trở mùa cũng chỉ là ký ức xa vời khi năm tháng đã trôi qua. Khi chị kịp vun vén cho mình một mái ấm, còn Hùng giờ đã thành đạt, có cuộc sống đáng mơ ước bên gia đình nhỏ. Hai người không còn liên lạc với nhau, thường chỉ biết tin nhau qua những câu chuyện tình cờ từ nhóm bạn chung. Chị an lòng vì Hùng đạt được những điều mình muốn nên sự nhớ nhung không mang theo cảm giác thương xót, giày vò. Hùng đã chọn một người khác, bỏ lại chị sau sáu năm thương yêu, từng nắm chặt tay nhau vượt qua nhiều khó khăn, trắc trở. Chị từng thù hận rồi nguôi ngoai, từng lãng quên rồi nhung nhớ. Cô bạn thân tên Hiên đứng bên cạnh câu chuyện của hai người thỉnh thoảng lại thở dài trách ông trời cứ thích xô đẩy phận người về hai phía. Một hôm nào đó ngồi bên nhau Hiên hỏi:
- Cậu có bao giờ nghĩ rằng Hùng rồi sẽ phải hối hận không?
- Để làm gì chứ? Tốt hơn hết là anh ấy nên cảm thấy bằng lòng với những gì anh ấy có.
- Mình thì không nghĩ vậy. Đã đôi lần khi nhắc về cậu, mình đọc được trong ánh mắt Hùng như có sự mất mát. Hùng hỏi nhiều về cậu. Tớ nói cậu hạnh phúc.
Chị nghe bạn nói, vẫn bình thản nhìn nắng hắt qua từng song sắt hàng rào, nơi mấy nụ tầm xuân đang chen nhau trong từng lớp lá, không hề để lộ chút se sắt trong lòng. Chị chặn đứng dòng hồi tưởng miên man ấy bằng ý nghĩ, không biết khi trở về nhà thì chồng phải bước bao nhiêu bước để băng qua vườn hoa tiến thẳng vào bếp và ôm chị? Khoảng mười bảy bước chăng? Ồ không! Anh bao giờ cũng trở về rất vội vàng với chị. Mười ba bước. Ừ! Có lẽ thế…
* * *
Hiên gọi điện báo tin họp lớp. Chị lưỡng lự mãi cuối cùng cũng tự lái xe đi vào một ngày cuối tuần. Chồng bảo sẽ gửi con sang nhà ngoại rồi đưa đi, nhưng chị nói muốn có những phút giây riêng tư thoải mái bên bạn bè sau nhiều năm gặp lại. Nhưng kỳ thực chị sợ chồng nhận ra phút xao lòng khi gặp lại người xưa. Biết đâu đấy vì một giây phút không kiềm chế được lòng mình chị để lộ ra cái vỏ bọc từng giấu kín bằng vẻ bình thản mỗi ngày, như thế chồng sẽ rất tổn thương. Mà bây giờ gặp Hùng chắc sẽ bối rối với mắt môi ấy, hình dáng ấy. Chị nghĩ ngay cả Hùng cũng vậy, cũng muốn gặp lại mình. Sáu năm rồi không nói với nhau tròn câu, không cười với nhau tròn tiếng, không một lần đủ tĩnh lòng ngồi lại. Giờ bỗng nhiên chị muốn được ngồi nói chuyện với Hùng, còn bao nhiêu cắc cớ trong lòng có thể tuôn ra mà thanh thản sống trọn vẹn cuộc sống của mình. Chị ghét cảm giác ngồi ngó nắng nhớ nắng, ngó mưa nhớ mưa, ngay cả những ngày bình yên nhất cũng nôn nao nhớ. Chỉ vì ngày xưa, lúc lửa tình còn ngút ngát, lúc đớn đau còn cùng cực chị đã nhiều lần hắt hủi con người ấy khi đến bên chị chân thành như một người bạn khi yêu thương đã vỡ.

Hùng đến, dắt theo vợ đẹp con xinh, tay bắt mặt mừng với tất cả bạn bè. Lúc đến trước chỗ chị ngồi, Hùng ngớ người một vài giây rồi cười bảo:
- Đã lâu không gặp. Chỉ nhìn thôi cũng biết em đang sống hạnh phúc. Ông xã em đâu, sao không đưa đi cùng?
Thế rồi chưa chị kịp trả lời đã thấy Hùng bị tiếng gọi của vợ kéo đi. Suốt buổi họp lớp hôm ấy anh bận bịu với việc nâng cốc chúc tụng, việc nịnh vợ khen con, với những câu chuyện làm ăn vĩ mô. Chị thấy mình hoàn toàn lạc lõng, tràn ngập sự hụt hẫng trong lòng. Chị ở đây làm gì khi chồng ở nhà thấp thỏm lo lắng chờ đợi chị trở về? Từng ấy năm tháng nhớ nhung làm gì một mảng ký ức tự nó đã tàn phan, một hình bóng tự nó đã ly khai khước từ mình? Trong khi chồng mỗi ngày đều tận tình vun vén cho hạnh phúc bằng từng bữa cơm ngon, từng cái ôm bất ngờ, từng nâng niu chiều chuộng. Chị muốn bỏ phố về ngay lúc này, muốn vứt lại những thứ vô nghĩa đeo bám đến úa màu những tháng ngày. Muốn được đếm bước chân khi băng qua vườn hoa. Muốn được một lần ôm chồng từ phía sau. Thật chặt! Muốn được thấy góc bếp nhỏ xôn xao hạnh phúc. Nơi mỗi ngày đều như có nắng ghé qua…

HUYỀN VŨ

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.