Nhiếp ảnh gia Lê Xuân Tùng sinh năm 1972 tại Hà Nội, là hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội. Anh bắt đầu tham gia các cuộc thi ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 2019, thích chụp ảnh về phong tục tập quán, những nét văn hoá giàu giá trị nhân văn... Nổi trội trong số những tác phẩm của anh là các bộ ảnh bám sát hơi thở cuộc sống. Hiện công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy công việc hằng ngày không liên quan đến nhiếp ảnh, nhưng lúc rảnh rỗi vào cuối tuần hoặc những ngày nghỉ, Lê Xuân Tùng lại xách máy ảnh lang thang sáng tác.
Nhiếp ảnh gia Lê Xuân Tùng.
Ban đầu chỉ là ghi lại những hình ảnh ấn tượng, cảnh đẹp bắt gặp trên đường đi; lâu dần, anh mày mò học hỏi thêm từ các nghệ sĩ nhiếp ảnh, sáng tác nhiều hơn, “chắc tay” hơn, từ đó nâng tầm tác phẩm.
Tích cực tham gia các cuộc thi ảnh, điều đáng ghi nhận ở Nhiếp ảnh gia Lê Xuân Tùng là sự mới mẻ. Anh không theo lối mòn, mà tìm tòi, chịu khó trong cách chọn, luôn tìm đề tài mới lạ, tuyên truyền hình ảnh đẹp, tích cực, nội dung nhân văn.
Ðiển hình như Bộ ảnh "Khoa học - công nghệ trong dự báo bão giúp ngư dân về bờ an toàn", một trong những bộ ảnh anh tâm đắc nhất, vừa đoạt giải Ba tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật cấp quốc gia “Tổ quốc bên bờ sóng” lần thứ 2, năm 2023. Bộ ảnh lột tả được nét đẹp của những người công tác trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn, công việc rất thầm lặng nhưng đem lại những giá trị cao cho xã hội, đặc biệt là với ngư dân trên biển khơi.
Hay như Bộ ảnh "Ở nhà mùa dịch", giải Khuyến khích Cuộc thi Ảnh nghệ thuật “Vẻ đẹp Việt Nam” năm 2021, do Trung tâm Truyền hình Nhân dân - Báo Nhân Dân tổ chức, mô tả được những hoạt động tích cực trong đợt dịch Covid-19, dù là những góc chụp trong nhà, nhưng vẫn đầy đủ các hoạt động văn, thể, mỹ...
“Nhiếp ảnh truyền tải thông tin rất nhanh và rất mạnh, tác động trực tiếp vào thị giác của người xem nên dễ gây ấn tượng. Chính vì thế, tôi muốn thông qua nhiếp ảnh, nhờ nhiếp ảnh để truyền tải những giá trị tích cực tới công chúng”, Nhiếp ảnh gia Lê Xuân Tùng chia sẻ.
Phơi lá, nguyên liệu làm hương truyền thống ở Cao Bằng.
Múa bồng trong lễ hội làng Triều Khúc, Hà Nội.
Xin chữ đầu năm.
Bản tình ca. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi biên ải luôn là mong muốn của Ðảng và Nhà nước.
Gánh thóc.
Tâm Hảo giới thiệu