Quốc hội khoá XV đã chính thức khai mạc vào ngày hôm qua - 21/10. Trước thềm kỳ họp, tỉnh Cà Mau có một số nhóm vấn đề lớn gửi gắm, kiến nghị đến Quốc hội, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh cực Nam Tổ quốc.
- Tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khoá XV
- Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Nhiều kiến nghị bức xúc của địa phương gửi đến kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV
- Nhiều ý kiến của cử tri Cà Mau gởi đến kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV
Tại hội nghị trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề khó khăn, bức xúc của địa phương, do ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn Chuyên trách, phụ trách Ðoàn Ðại biểu Quốc hội (ÐBQH) tỉnh chủ trì, vào ngày 15/10 vừa qua, nhiều đại biểu đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung quan trọng.
Liên quan đến Ðề án Xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau, ông Trịnh Thanh Sang, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ giải quyết các khó khăn về pháp lý để phê duyệt đề án, làm cơ sở để tỉnh mời gọi nhà đầu tư nghiên cứu triển khai thực hiện đề án. Việc thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn gặp khó khăn và hạn chế do kết cấu hạ tầng - xã hội của tỉnh chưa đồng bộ; đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp khá lớn, khó thu hồi. Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư hằng năm bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ các địa phương từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn để hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào cụm công nghiệp. Cụ thể như hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước đến hàng rào cụm công nghiệp của các tỉnh có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, để làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư.
Ông Trịnh Thanh Sang, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, kiến nghị vấn đề liên quan đến Ðề án Xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau.
Ðối với lĩnh vực y tế, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Y tế, kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định thời gian thanh quyết toán quý (theo Mẫu C82); ban hành giá dịch vụ sử dụng phương pháp vô cảm gây tê trong phẫu thuật thống nhất toàn quốc, đảm bảo thanh toán đúng, đủ theo quy định. Kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét cho trạm y tế xã, phường, thị trấn có giá dịch vụ kỹ thuật được thanh toán bằng 100% mức giá dịch vụ kỹ thuật quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, ngày 17/11/2023, của Bộ Y tế. Kiến nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh cho phép người đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở tuyến Trung ương, tuyến tỉnh được khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa tuyến huyện và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.
Đại diện lãnh đạo ngành Y tế tỉnh Cà Mau, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Y tế có nhiều ý kiến tâm huyết gửi đến Quốc hội.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau có các dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đầu tư hỗ trợ nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương. Theo đó, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các chương trình dự án mới để đầu tư, nâng cấp y tế cơ sở cho các tỉnh, trong đó có tỉnh Cà Mau. Ðồng thời, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong tỉnh, giảm tải cho tuyến trên, tỉnh đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, nâng cấp Bệnh viện Ða khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường thành Bệnh viện Ða khoa khu vực.
Liên quan đến Nghị định số 57/2024/NÐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thuỷ nội địa (thay thế Nghị định số 159/2018/NÐ-CP, ngày 28/11/2018), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/7/2024, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị: Ðể tổ chức thực hiện chuyển tiếp đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thuỷ nội địa do UBND tỉnh quản lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm do UBND tỉnh quản lý đối với các trường hợp sau: dự án đã ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư theo Nghị định số 159/2018/NÐ-CP nhưng chưa triển khai các bước tiếp theo theo quy định; dự án đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo Nghị định số 159/2018/NÐ-CP nhưng chưa đàm phán, ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã ghi nhận nhiều kiến nghị của tỉnh Cà Mau gửi đến Quốc hội liên quan đến lĩnh vực cải cách hành chính. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành (hoặc sửa đổi, bổ sung) văn bản hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định để địa phương thực hiện. Ðồng thời, để có đầy đủ cơ sở thực hiện phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính theo Công văn số 4223/BNV-TGCP, ngày 21/7/2024, của Bộ Nội vụ về việc triển khai thực hiện Quyết định số 491/QÐ-BNV, ngày 10/7/2024, của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và thực hiện phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về chủ trương, cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Tỉnh Cà Mau đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định về chính sách phát triển năng lượng tái tạo để sản xuất Hydrogen trong Luật Ðiện lực, góp phần giúp tỉnh phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế này.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, việc thực hiện các gói thầu sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên rất nhiều, đặc biệt là các gói thầu duy tu sửa chữa công trình giao thông, thuỷ lợi, sửa chữa trụ sở cơ quan..., đây là các gói thầu có quy mô nhỏ, dưới 1 tỷ đồng, phải triển khai thực hiện ngay để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Nếu căn cứ theo điểm m, khoản 1, Ðiều 23, Luật Ðấu thầu số 22/2023/QH15 quy định, phải triển khai lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi, sẽ tăng thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện. Xuất phát từ khó khăn nêu trên, tỉnh Cà Mau kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu dự toán từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hạn mức không quá 1 tỷ đồng...
Ðối với tỉnh Cà Mau, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIV. Trên cơ sở các kiến nghị của đại biểu tại hội nghị và tổng hợp ý kiến bà con cử tri tỉnh Cà Mau trước kỳ họp Quốc hội, Ðoàn ÐBQH tỉnh Cà Mau sẽ chắt lọc và trình đến Quốc hội xem xét, hỗ trợ địa phương, góp phần giúp tỉnh Cà Mau thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.
Loan Phương