Thời gian qua, tỉnh Cà Mau từng bước khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất công nghiệp. Qua đó, ngành công nghiệp có bước phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- “Vốn mồi” giúp cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển
- Hướng đến công nghiệp thuỷ sản bền vững
- Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Với góc nhìn tổng thể, có thể thấy, công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của cả nước và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở huy động có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Cà Mau đã xây dựng và hình thành những thương hiệu công nghiệp mang tính riêng biệt, tạo ra những giá trị tăng cao.
Nhiều thành tựu nổi bật
Trong những hình thái phát triển công nghiệp tại địa phương, được đánh giá cao về tính hiệu quả có thể kể đến chế biến tôm. Ngành tôm chi phối đến đời sống của khoảng trên 50% dân số của tỉnh (khoảng 600 ngàn người), ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của khoảng trên 350 ngàn lao động, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300 ngàn lao động; được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Trong ngành bao gồm hoạt động chế biến, xuất khẩu tôm.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 38 doanh nghiệp (41 nhà máy) chế biến, xuất khẩu thuỷ sản có quy mô lớn và vừa, với tổng công suất thiết kế khoảng 250 ngàn tấn/năm, sản lượng tôm chế biến đạt trên 150 ngàn tấn/năm, tạo việc làm cho hơn 20 ngàn lao động; thiết bị, công nghệ, trình độ quản lý, vận hành, sản xuất hiện đại so với khu vực và thế giới. Chế biến xuất khẩu tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều năm liền dẫn đầu về sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm hằng năm đóng góp khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh và 85-90% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Sản phẩm tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Công nghiệp chế biến của tỉnh chủ yếu vẫn là ngành chế biến thuỷ sản. Ðến nay, toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD/năm. (Ảnh chụp quy trình chế biến thuỷ sản tại Công ty Cổ phần CAMIMEX Foods).
Từ lợi thế con tôm, ngành công nghiệp chế biến cũng đã có những bước phát triển đáng kể. Năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 40,85% trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp; 6 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 34,57% trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp (đứng thứ 2 trong cơ cấu toàn ngành sau ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước). Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương, cho biết, đến nay, ngành công nghiệp chế biến của tỉnh chủ yếu vẫn là ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản. So với thời gian trước đây, các nhà máy chế biến đã chú trọng đầu tư vào thiết bị, công nghệ, trình độ quản lý, vận hành, sản xuất hiện đại so với khu vực và thế giới. Hầu hết các nhà máy đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, EU...
Cà Mau có một số công trình quan trọng, góp phần rất lớn vào phát triển công nghiệp của tỉnh. Nổi bật như Công ty Khí Cà Mau đang quản lý và vận hành đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau có quy mô công suất khoảng 2 tỷ m3 khí/năm, cung cấp khí cho Nhà máy Ðiện Cà Mau 1, 2 công suất 1.500MW và Nhà máy Ðạm Cà Mau công suất 800 ngàn tấn urê/năm. Nhà máy Xử lý khí (GPP) Cà Mau là công trình thực hiện chủ trương chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị khí, tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; theo thiết kế, GPP Cà Mau cung cấp ra thị trường khoảng 200 ngàn tấn LPG/năm, cung cấp khoảng 12 ngàn tấn condensate/năm.
Cụm công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau (xã Khánh An, huyện U Minh) tạo dấu ấn quan trọng trong phát triển công nghiệp tại địa phương.
Cùng với đó, đối với phát triển năng lượng, hiện nay tỉnh có các nguồn cấp điện là các nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1&2 công suất 1.500 MW, điện gió Tân Thuận giai đoạn 1&2 công suất 75 MW, điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 1 công suất 25 MW, điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 2021-2025 công suất 45MW, điện gió Viên An công suất 25MW (công suất thiết kế 50MW) và 1.217 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 111.579 kWp sử dụng công tơ 2 chiều bán điện lên lưới điện quốc gia.
Thời gian qua, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Công thương thẩm định Ðề án Xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau, trong đó lộ trình đến năm 2031 Cà Mau xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo 2.000MW, đến năm 2035 là 3.000MW, đến năm 2040 là 5.000MW.
Xác định và phát triển nhóm ngành công nghiệp ưu tiên
Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng, nhưng theo phân tích, đánh giá từ ngành chức năng tỉnh, trong phát triển công nghiệp tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, đáng quan tâm là việc thu hút đầu tư FDI trong phát triển công nghiệp còn hạn chế, do đó không tận dụng được liên kết của khu vực FDI trong lan toả công nghệ; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu mới chỉ tham gia được vào một số phân khúc có giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mở rộng sản xuất công nghiệp đã đi kèm theo với sự gia tăng các vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn trong các ngành sản xuất công nghiệp; thiếu vắng những ngành công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch. Việc thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn khó khăn và hạn chế do kết cấu hạ tầng - xã hội của tỉnh còn kém, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp khá lớn, khó thu hồi, mặc dù đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu nghiên cứu nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư đăng ký đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Ngành công nghiệp chiếm giữ một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tình hình mới. Chính vì thế, đối với ngành này, có nhiều ý kiến cho rằng, dựa trên định hướng phát triển, tiềm năng và lợi thế, địa phương cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện của tỉnh (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), công nghiệp cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; các ngành công nghiệp sử dụng khí thiên nhiên. Tập trung phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) và của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ hoặc xuất khẩu, không phát điện lên điện lưới quốc gia, đặc biệt là phục vụ sản xuất Hydro, Amoniac xanh... Không thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Chí Thiện cho rằng, thực tế phải quan tâm phát triển các ngành công nghiệp nhẹ sử dụng hợp lý lao động; từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực và thế mạnh của tỉnh và khu vực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản quy mô hàng hoá lớn, hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững; là trung tâm và động lực cho phát triển chuỗi giá trị nông sản; gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế biển; nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế để sớm đưa Cà Mau trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thuỷ sản của vùng ÐBSCL và cả nước.
Một số loại hình công nghiệp có thể phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Cà Mau như: phân bón, khí công nghiệp, hoá chất cơ bản, hoá dược... đặc biệt, thu hút đầu tư phát triển nhà máy công nghiệp hoá chất trong lĩnh vực dầu khí. Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là phục vụ cơ giới hoá sản xuất nông - lâm - thuỷ sản và dây chuyền máy, thiết bị chế biến nông sản. Phát triển công nghiệp chế tạo, sản xuất các bộ phận vừa và nhỏ cho hệ thống sản xuất năng lượng; dịch vụ lắp ráp các linh kiện và lắp đặt hệ thống năng lượng để tạo ra năng lượng từ các nguồn năng lượng chính; các giải pháp năng lượng tích hợp cho cả người sản xuất năng lượng và người tiêu dùng./.
Văn Ðum