Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt kết quả nổi bật, tạo điều kiện để các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có cơ hội tiếp cận thiết bị máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. Phóng viên Báo Cà Mau phỏng vấn ông Trần Hoàng Em, Giám đốc Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh, về vai trò, ý nghĩa các nguồn vốn khuyến công.
- Tạo sức bật từ nguồn vốn khuyến công
- Tập trung cho sản xuất, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
- Vốn chính sách đến với người dân lâm phần
Ông Trần Hoàng Em, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Cà Mau.
- Xin ông cho biết hiệu quả từ các đề án khuyến công triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Ông Trần Hoàng Em: Giai đoạn 2020-2023, TTKC đã triển khai thực hiện 20 đề án khuyến công quốc gia và địa phương hỗ trợ 29 cơ sở CNNT với tổng kinh phí thực hiện 16,9 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ các cơ sở 5,3 tỷ đồng, thu hút tổng vốn đầu tư của các cơ sở 11,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 600 lao động địa phương. Các nội dung hỗ trợ chủ yếu là hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường... Thông qua hỗ trợ từ đề án khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, nâng cao được chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, giúp nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ; cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững.
Ông Quách Ngọc Tệt (đứng bên phải), hộ kinh doanh Quách Tệt, Khóm 4, Phường 7, TP Cà Mau, đang làm thủ tục xin hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho thiết bị máy nghiền bột ngũ cốc.
Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều so với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn “vốn mồi”, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh...
Ðến nay, nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao. Các đề án khuyến công góp phần tích cực tham gia thực hiện các chính sách, giải pháp của Ðảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ trọng CNNT trong toàn ngành; tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới.
- Những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai đề án khuyến công đến các cơ sở CNNT là gì, thưa ông?
Ông Trần Hoàng Em: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công từ Trung ương tới địa phương từng bước được hoàn thiện. Thông qua hoạt động khuyến công, vai trò, vị trí của các cơ quan quản lý Nhà nước về công thương địa phương được nâng cao, tạo sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Các hoạt động khuyến công bám sát mục tiêu chương trình khuyến công của từng giai đoạn, quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của cơ sở CNNT. Quy mô, chất lượng đề án khuyến công ngày càng được nâng cao, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan toả lớn, tác động đến phát triển CNNT.
Bên cạnh đó, công tác khuyến công cũng gặp một số khó khăn: Danh mục các cơ sở CNNT thực hiện đề án khuyến công hằng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 7 năm trước, khi triển khai vẫn có một số cơ sở CNNT vì nhiều nguyên nhân như: do sản xuất mang tính nhỏ lẻ, thiếu vốn, nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra thiếu ổn định... nên xin ngưng thực hiện đề án, gây khó khăn trong việc tìm kiếm, lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện để trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục. Phần lớn các cơ sở CNNT do có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, năng lực quản lý và tiềm lực tài chính hạn chế, nên khi thực hiện đăng ký đề án, chủ yếu có nhu cầu đầu tư các máy móc, thiết bị được gia công, máy công suất nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến, hiện đại, do đó chưa đáp ứng được điều kiện quy định khuyến công. Công tác xây dựng kế hoạch, đề xuất các danh mục đề án khuyến công đối với UBND cấp huyện chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, chưa mang tính trọng tâm, trọng điểm, chưa bám sát nhu cầu thực tế của cơ sở CNNT.
Nguyên nhân do sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở một số địa phương phát triển còn chậm, việc xác định ngành nghề, sản phẩm đăng ký hỗ trợ từ chương trình khuyến công tại cấp huyện chưa đa dạng, chưa bám sát vào định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương mình để lựa chọn, nên nhiều danh mục, nội dung hoạt động khuyến công khi đã được đưa vào phê duyệt nhưng không triển khai được.
Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Hồng Hoa (xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi) chi 340 triệu đồng đầu tư thiết bị băng chuyền tráng bánh phồng tôm, được hỗ trợ 50% từ nguồn vốn khuyến công.
- Xin ông cho biết giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác khuyến công trong thời gian tới?
Ông Trần Hoàng Em: Trung tâm Khuyến công tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nội dung hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công đến các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh... Những giải pháp này nhằm giúp các cơ sở CNNT nắm và hiểu rõ lợi ích của sự hỗ trợ chính sách khuyến công, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia đầu tư máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm cho thị trường.
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ khuyến công theo kế hoạch đã được phê duyệt; tập trung và tăng cường tư vấn, hỗ trợ các cơ sở CNNT trong thiết kế bao bì sản phẩm; áp dụng công nghệ mới và các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; phát triển sản phẩm mới giá trị gia tăng, tiềm năng, trong đó ưu tiên sản phẩm từ nguồn nguyên liệu chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu... Những nhiệm vụ này hoàn thành nhằm góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Thường xuyên giữ mối liên hệ, nắm bắt thông tin về tình hình đầu tư sản xuất - kinh doanh của các cơ sở CNNT, cũng như nhu cầu tư vấn để có kế hoạch hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng; phát hiện những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, giúp cơ sở CNNT ổn định phát triển sản xuất.
- Xin cảm ơn ông!
Loan Phương thực hiện