Tại Phiên họp tháng 5 về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), sáng 31/5, đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương tập trung khắc phục những hậu quả do hạn hán gây ra, nhất là tại huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau. Đồng thời, chủ động ứng thiên tai khi mùa mưa bão đang diễn ra.
Vấn đề được tập trung quan tâm là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 28/5/2024, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 1.241 tỷ đồng, bằng 23,8% kế hoạch vốn, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (20,66%); tuy nhiên thấp hơn so cùng kỳ (cùng kỳ giải ngân 1.395,581 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch) và kế hoạch của tỉnh.
0 Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp về phát triển KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm, trong đó nhấn mạnh việc khắc phục thiên tai, hỗ trợ sản xuất cho người dân.
Trong đó, vốn đầu tư công năm 2024 đến nay giải ngân bằng 24% kế hoạch với nguồn vốn trên 1.142 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là các nguồn vốn, như: vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất do tỉnh quản lý chỉ giải ngân được 28 tỷ đồng, bằng 6% kế hoạch vốn; vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2023 chưa giải ngân.
Đối với nguồn vốn năm 2023 chuyển sang, đến nay cũng chỉ giải ngân trên 99,5 tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch. Đáng chủ ý, vốn ngân sách địa phương chỉ giải ngân 3,479 tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư của các huyện, thành phố giải ngân bằng 8,7% kế hoạch; vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất do tỉnh quản lý bằng 5,5% kế hoạch vốn. Đặc biệt, nguồn vốn từ tăng thu xổ số kiến thiết năm 2022 đến nay chưa giải ngân đồng nào.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung hơn nữa trong triển khai các dự án, công trình nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các công trình trọng điểm. (Trong ảnh: Thi công xây dựng tuyến nối vào cầu Gành Hào (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi)
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, nhận khuyết điểm khi đến nay địa phương chưa giải ngân từ nguồn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời cho biết trong tháng 6 sẽ triển khai nguồn vốn này, phấn đấu sẽ giải ngân đạt theo kế hoạch vào cuối năm.
Theo Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân đến hết quý 2 đạt ít nhất 50%, tính trung bình đến hết 5 tháng đầu năm 2024 phải đạt ít nhất 41,7%. Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết, trong tháng qua (tháng 5 - PV) tỷ lệ giải ngân tăng không đáng là bao, chỉ khoảng 2%, như vậy là không đạt yêu cầu, sẽ còn rất nhiều khó khăn cần tập turng nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa.
Qua rà soát, có 6 chủ đầu tư giải ngân không đạt tiến độ theo Chương trình hành động 01 nhưng giải ngân trên mức bình quân của tỉnh (23,8%), có 7 chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh (23,8%) và có 1 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương sản xuất lúa hướng dẫn xuống giống theo lịch thời vụ, chủ động về nguồn nước, đảm bảo tháo úng khi dự báo năm nay mưa nhiều trong vụ hè thu. (Ảnh minh hoạ)
Theo các chủ đầu tư, nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân còn chậm như hiện nay là do một số dự án lớn, quan trọng của tỉnh còn vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân, như: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm; Dự án đầu tư hạ tầng chung các công trình lĩnh vực y tế; Dự án đầu tư xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 và hệ thống đường giao thông...
Ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, địa phương đang gặp khó khăn nguồn vốn, nhất là đối với những tuyến đường lộ 3 m bị sụt lún, cần nguồn kinh phí lớn, mong được sự hỗ trợ từ cấp trên.
Kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết lớn (955,225 tỷ đồng), trong đó đưa vào dự phòng dự kiến bố trí thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng thực hiện mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không tỉnh Cà Mau là 811,229 tỷ đồng và dự kiến bố trí hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Khánh An là 55,396 tỷ đồng khi đủ điều kiện (còn lại 42,1 tỷ đồng dự kiến trình HĐND tỉnh khoá X, kỳ họp thứ 14 (giữa năm) để bố trí cho Dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo công trình Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là).
Trên lĩnh vực kinh tế của tỉnh 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,7%; tổng sản lượng thuỷ sản tăng 1,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,2%. Sản xuất công nghiệp được phục hồi và sản lượng ngày càng tăng, trong đó: sản lượng khí thương phẩm tăng 6,6% so cùng kỳ; sản lượng điện sản xuất tăng 9,6% so cùng kỳ; sản lượng điện thương phẩm tăng 13,5% so cùng kỳ; sản lượng LPG - Condensate tăng 4,6% so cùng kỳ; sản lượng phân bón tăng 15,6% so cùng kỳ. Đến ngày 28/5/2024, thu ngân sách Nhà nước đạt 2.676,7 tỷ đồng, bằng 50,2% dự toán, tăng 21,2% so cùng kỳ.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, nhắc nhở các địa phương, các chủ đầu tư cần tập trung cao hơn nữa trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết, có tác động lan toả, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai danh mục công trình bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên năm 2024; thực hiện tốt công tác đầu tư, xây dựng lộ nông thôn theo kế hoạch. Tập trung hỗ trợ sản xuất, khắc phục thiệt hại do hạn hán, chủ động ứng phó thiên tai khi mùa mưa bão đang diễn ra…
“Cần rà soát thật kỹ các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trên lĩnh vực sản xuất, để tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra, nhất là kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất đối với những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả…”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đồng thời yêu cầu các địa phương tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng nông thôn mới, quyết tâm đưa huyện Thới Bình đạt chuẩn NTM trong năm nay.
Trần Nguyên - Chí Diện