Là đơn vị quản lý nguồn vốn uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lớn nhất tại xã Khánh Thuận (trong 4 hội, đoàn thể), thời gian qua, Hội Nông dân xã Khánh Thuận tích cực triển khai nguồn vốn chính sách đến nhiều đối tượng khác nhau, từ đó giúp nhiều hộ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Có vốn vay, ông Huỳnh Văn Tân, Ấp 11, xã Khánh Thuận đầu tư trồng màu mang lại hiệu quả cao.
Trước đây, cuộc sống của bà Lương Thị Ngọc Diệp, Ấp 11, gặp nhiều khó khăn. Sau khi suy tính tìm việc làm phù hợp, bà nảy ra ý tưởng đi thu mua tôm của người dân, nhưng lại không có vốn lớn. Nhờ Hội Nông dân xã đứng ra làm cầu nối, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện xét giải ngân cho bà Diệp vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Có vốn, bà phát triển việc thu mua tôm nguyên liệu, từ đó cuộc sống dần ổn định. Sau khi đáo hạn, bà trả hết nợ và tiếp tục vay lại 80 triệu đồng để mở rộng việc kinh doanh.
Bà Diệp cho biết: "Nhờ nguồn vốn vay mà tôi làm ăn phát triển như bây giờ, cuộc sống ổn định, tôi có điều kiện chăm lo cho 2 đứa con ăn học. Hiện nay, ngoài trả lãi vay đầy đủ, mỗi tháng tôi còn gửi tiết kiệm 1 triệu đồng để trả dần nợ gốc".
Anh Nguyễn Vũ Linh, Ấp 11, là một trong những người được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giải ngân nguồn vốn giải quyết việc làm. Với 30 triệu đồng vốn vay, anh đầu tư phát triển mô hình trồng cam sẵn có của gia đình. Ðến nay, cây đã cho trái đều đặn, ước thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn vốn của NHCSXH huyện với lãi suất thấp đã tạo điều kiện cho anh có vốn mua phân bón, cây giống... Từ đó, anh phát triển vườn cam, đem lại hiệu quả kinh tế cao và trả lãi đúng hạn. Cuộc sống gia đình anh hiện nay ổn định hơn.
Từ nguồn vốn chính sách, anh Nguyễn Vũ Linh đầu tư, mở rộng diện tích trồng cam, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Ðó là 2 trong số 841 hộ dân được Hội Nông dân xã đứng ra làm cầu nối để được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Ðến nay, Hội quản lý nguồn vốn uỷ thác với tổng dư nợ hơn 26 tỷ đồng.
Ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Hội Nông dân xã xác định, điều quan trọng là làm cầu nối giữa hội viên nông dân và NHCSXH, để làm sao những người dân có nhu cầu vay vốn đều tiếp cận được nguồn vốn chính sách để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo thời gian tới”.
Hiện nay, Hội Nông dân xã quản lý 16 tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ này phân bố đều khắp các ấp. Nguồn vốn được giải ngân nhiều nhất là vốn vay dành cho hộ sản xuất vùng khó khăn, với gần 9,5 tỷ đồng. Các khoản vay khác cũng có số dư nợ cao như: cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường... Mặc dù tổng dư nợ vay khá cao, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chiếm thấp, với 44 triệu đồng, tương đương 0,17% - tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất trong các hội nhận uỷ thác của huyện (tính đến ngày 14/5/2024).
Xã Khánh Thuận có địa bàn rộng, nhiều hộ sinh sống thuộc khu vực lâm phần rừng tràm, có nhiều đất sản xuất nhưng thiếu vốn. Do đó, nguồn vốn chính sách do Hội Nông dân xã nói riêng và các hội, đoàn thể khác trên địa bàn xã nói chung đứng ra làm cầu nối, giải quyết kịp thời nhu cầu người dân, giúp họ có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế./.
Trần Chương