Mấy năm trước, tại một hội chợ do tỉnh tổ chức, tôi tình cờ bắt gặp những cây chổi bông sậy được bó khá khéo léo, trưng bày ở gian hàng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Trần Văn Thời. Hỏi ra mới biết, đó là sản phẩm của chị Võ Ánh Xuân, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc. Từ đó mà tôi kết nối và thường xuyên dùng sản phẩm của chị, vì vừa đẹp, lại bền chắc.
Chị Xuân bắt đầu bó chổi bông sậy cách đây khoảng 7 năm. “Ði thấy người ta phơi bông sậy, hỏi làm gì, họ nói bó chổi xài. Ở quê bông sậy đầy, hồi nhỏ mẹ mình có chỉ cách bó chổi rơm, vậy là nảy ra ý định bẻ bông sậy phơi và bó thử giống vậy”, chị Xuân nhớ lại.
Bó vài cây đầu thấy đẹp, dùng tốt, vậy là chị bẻ bông sậy bó thêm rồi tặng người thân, bạn bè cùng dùng. Thấy mọi người đều thích, nhà có tiệm tạp hoá bán lặt vặt, chị trưng chổi ra bán thử. Người này mua dùng thấy bền, truyền tai người khác, cứ vậy mà số lượng tiêu thụ tăng dần. “Năm đầu bán được vài chục cây, năm sau tăng lên hơn 100 cây. Rồi có mấy mối tiệm tạp hoá đặt hàng bán lại nên số lượng tăng dần. Năm nay có thêm mối bên Kiên Giang đặt, cộng lại khoảng hơn 400 cây”, chị Xuân phấn khởi cho biết.
Còn việc chổi bông sậy có mặt tại hội chợ, chị Xuân kể, lần ấy, mấy chị Hội LHPN xã thấy chị bó chổi khéo nên đặt chị làm 30 cây để quảng bá sản phẩm quê hương, chứ lúc đó chị chưa bán rộng rãi. Chổi bán hết nhanh chóng, cũng từ đó, thêm nhiều người biết đến sản phẩm của chị.
Ngoài có thêm nguồn thu nhập kha khá, với chị Võ Ánh Xuân, việc bó và bán chổi bông sậy còn là niềm vui, sự gửi gắm tâm huyết, muốn khẳng định giá trị sản phẩm từ nguồn nguyên liệu dồi dào của quê hương đến với người tiêu dùng.
Nhà gần đê biển Tây, nơi hai bên đê sậy mọc bạt ngàn, cứ vào đầu tháng 8, khi sậy bắt đầu trổ bông, với cây móc (cũng làm từ sậy và cọng kẽm), chị Xuân và chị em trong gia đình đi hái bông sậy về phơi dự trữ để bó chổi.
Ðể chổi không bị rụng bông, xài bền, kinh nghiệm của chị Xuân là hái những bông mới nhú lên hơn phân nửa. Bông sậy sau khi hái, được lặt bỏ lá, phơi độ 3 nắng cho thật khô rồi trữ lại để dùng dần.
Bông sậy sau khi phơi khô, phải tét từng nhánh nhỏ, bó thành từng “con” sẵn, sau đó mới tới công đoạn bó chổi. “Con” cũng phải bắt đều tay và vừa phải, vì nhiều cây thì chổi nặng, ít thì chổi bị mỏng, không bền.
“Tuy giá có nhích hơn chổi bông cỏ, bởi mình đầu tư nhiều công sức, nhưng xài bền gấp 3 lần. Mình xài kỹ mỗi năm chỉ tốn 1 cây”, chị Xuân phân trần. Tính ngày công và chi phí vật liệu (dây, cán chổi, đinh vít, dây cước…), hiện chị bỏ mối 40 ngàn đồng/cây, bán lẻ tại chỗ 45 ngàn đồng, chở đi thì tuỳ xa gần cộng thêm tiền xăng.
Huyền Anh - Trầm Nghĩ thực hiện