Thời điểm cận Tết, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu tăng cao; song, các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh cam kết bán đúng giá niêm yết, không để lệch giá so với thường ngày. Nhiệm vụ trọng tâm thời điểm này là giúp người dân yên tâm mua sắm, chuẩn bị cho những ngày Tết.
Công ty Cổ phần thương nghiệp Cà Mau có nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng.
Ngành Công thương tỉnh dự báo, sức mua dịp Tết sẽ tăng đến 10% so với ngày bình thường; tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, nguồn hàng hoá dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và không xảy ra tình trạng sốt giá, giá hàng hoá tăng đột biến.
Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh, các doanh nghiệp thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tham gia dự trữ các nhóm mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cà Mau, thông tin: “Trong dịp Tết này, siêu thị đã trữ lượng hàng hoá với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng; hàng hoá được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm quà tặng đang được chú trọng, thiết kế sao cho phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Với sự chủ động trong công tác trữ hàng, siêu thị cam kết không thiếu hàng dịp này, giá cả các mặt hàng được niêm yết và cam kết bán theo giá quy định”.
Trong dịp Tết này, Siêu thị Co.opmart Cà Mau trữ lượng hàng hoá với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của khách hàng.
Ngoài các doanh nghiệp lớn, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường dịp Tết thì trên địa bàn các huyện, TP Cà Mau còn có số lượng lớn hàng hoá dự trữ của các tiểu thương tại 71 điểm chợ, trên 120 cửa hàng tiện lợi và hàng ngàn cửa hàng kinh doanh tổng hợp, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Bà Trần Thị Trúc Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau, cho biết: "Như mọi năm, Công ty đảm bảo không thiếu hàng hoá. Đối với mặt hàng bách hoá tổng hợp, chúng tôi đang tập trung về thị trường tuyến huyện. Chủ động hàng hoá phục vụ Tết, hiện nay lượng hàng đã về các kho lớn, các cửa hàng cũng đang có nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng. Riêng mặt hàng xăng, dầu, gas thì luôn đảm bảo cung ứng cho thị trường tăng đột biến vào dịp Tết”.
Tại các huyện, lượng hàng hoá cũng dồi dào, phong phú mặt hàng cho người dân lựa chọn. Ảnh: Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng bách hoá tự chọn trên địa bàn thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn. Ảnh: QUỐC SÁNG
Thời điểm Tết Nguyên đán hàng năm, thị trường các loại mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm OCOP trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng dịp Tết này, nhiều chủ thể OCOP, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đã tăng sản lượng, dự trữ hàng hoá để cung ứng. Đến nay, tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều phát triển các sản phẩm OCOP là sản vật đặc trưng của địa phương, như: tôm khô, bánh phồng tôm, mắm tôm, khô cá bổi, ba khía, chả cá các loại… rất nổi tiếng, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến và ưa chuộng.
Tết này, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau (iPEC) đã sáng tạo hơn bằng việc mở rộng bộ sản phẩm quà tặng thành những giỏ quà Tết OCOP bắt mắt, đa dạng mặt hàng, thu hút sự quan tâm của khách hàng, đặc biệt là với các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tặng quà Tết cho đối tác, công nhân viên của mình. Sự kết hợp này giúp sản phẩm OCOP được tiêu thụ mạnh hơn, tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng tiềm năng, giúp các chủ thể tiêu thụ hàng hoá ổn định hơn.
Các chủ thể OCOP đang chuẩn bị những mẫu giỏ quà tặng từ những sản phẩm đặc trưng của mình, vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng dịp Tết vừa quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Để đảm bảo cái Tết an toàn, tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường, chủ động nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng tăng; đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Hiện tại, các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn được triển khai. Ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình khuyến mãi, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Phú Hữu