(CMO) Trước thực trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Cà Mau chỉ đạo đơn vị sở, ngành cấp tỉnh phối hợp UBND các huyện khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp phòng chống sạt lở theo tuyến đê, sông ngòi, kênh rạch.
Theo đó, nhiều địa phương có chỉ thị, nghị quyết chuyên đề như: huyện Ðầm Dơi có Nghị quyết số 09-NQ/HU về trồng rừng, trồng cây chống xói lở, giai đoạn 2023-2025; huyện Phú Tân có Nghị quyết số 09 về “Bảo vệ, duy tu, sửa chữa, chống sạt lở công trình giao thông đường bộ”... Ðồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân dùng biện pháp bảo vệ phần đất ven tuyến kênh, rạch khu vực của từng hộ. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hay về phòng chống sạt lở, đặc biệt là mô hình trồng hàng rào cây mắm có tác dụng “2 trong 1”: vừa kè chống sạt lở hiệu quả, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Ông Nguyễn Thành (ấp Tân Ðiền, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi) gia cố phần kè bằng tre, sau đó tạo bãi trồng mắm thành “hàng rào” kiên cố chống sạt lở hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân, khi cây mắm được khoảng 10 năm tuổi, rễ đã bám sâu vào đất thì phải cắt bỏ phần ngọn cây, tránh trường hợp kè nặng quá kéo theo sụp lún.
Tuyến kênh Trưởng Ðạo thuộc xã Ngọc Chánh và xã Thanh Tùng là điểm nóng về sạt lở của huyện Ðầm Dơi, thế nhưng, nhờ trồng cây mắm, tại hộ ông Lê Hùng Phường (ấp Thanh Tùng) hàng chục năm nay không xảy ra sạt lở.
Gia đình bà Huỳnh Thị Nghiệp, ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân làm bờ kè chống sạt lở bằng cây mắm rất độc đáo.
Ông Ngô Văn Hiền (ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) trồng cây mắm quanh phần đất, chống sạt lở vuông tôm của gia đình.
Nhiều hộ dân ở huyện Phú Tân dùng các biện pháp làm kè thủ công tạo bãi trồng mắm để bảo vệ phần đất ven tuyến kênh rạch trước nhà.
Huỳnh Lâm thực hiện