(CMO) Ðê biển Tây có chiều dài 108 km, thuộc địa bàn 3 huyện: Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh. Ðây là công trình có ý nghĩa chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng và bảo vệ cho hơn 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng trăm ngàn hộ dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng người dân xâm chiếm, vi phạm hành lang đê điều ngày một gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của tuyến đê.
Ông Bùi Văn Ðông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều, cho biết, hiện công trình nâng cấp đê biển Tây đã được đầu tư xây dựng hoàn thành khoảng 50 km, từ thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời đến cống Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, nơi giáp ranh với tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên, sau khi tuyến đê biển Tây nâng cấp hoàn thành và đưa vào sử dụng thì một bộ phận người dân có xu hướng dịch chuyển ra gần đê sinh sống để thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán, kinh doanh, đặc biệt là ở các cửa vàm. Bên cạnh những người dân tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đê điều thì cũng còn một số ít người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ đê để xây dựng công trình, như nhà ở, san lấp mặt bằng, làm đường đấu nối, hàng rào... hoặc trồng cây, rau màu trên mái đê. Vì vậy, số vụ vi phạm có chiều hướng ngày một gia tăng, từ đó làm cho công tác quản lý đê điều gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến an toàn đê.
Hộ ông Huỳnh Văn Phượng, ấp Bãi Ghe, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, xây cất ngay trên mái đê để buôn bán, không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Nhưng hộ này không hợp tác với cơ quan chức năng để thực hiện việc tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu mà còn có biểu hiện xem thường pháp luật. |
Nếu như trước đây các trường hợp vi phạm hành lang đê điều lén lút, xây cất nhà vào ban đêm, thì gần đây một số hộ dân ngang nhiên bồi trúc mặt bằng đê biển Tây vào ban ngày để kinh doanh, buôn bán, không hợp tác với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, không ký tên vào biên bản vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có 14 trường hợp vi phạm hành lang đê điều, như san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu, xây dựng công trình phụ, nhà ở, trồng cây... trên hành lang đê. Ngành chức năng đã phối hợp cùng chính quyền sở tại tuyên truyền vận động trả lại hiện trạng 4 trường hợp, còn lại 10 trường hợp đang tiếp tục vận động trả lại hiện trạng.
Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời có trên 10 km đê biển Tây đi qua, 100% đã được đầu tư mặt lộ và kè chống sạt lở. Tuy từ đầu năm đến nay không phát hiện tình trạng vi phạm hành lang đê điều nhưng địa phương vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm, tồn đọng kéo dài trong quá trình giải phóng mặt bằng nâng cấp đê, đến nay chưa giải quyết dứt điểm.
Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, cho biết: “Ðể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp ngành chức năng của tỉnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thậm chí vận dụng những chính sách hiện hành theo đúng quy định nhưng có lợi nhất để người dân đồng thuận di dời vào các khu tái định cư ven biển, không tái phạm các hành vi lấn chiếm, uy hiếp an toàn hành lang đê biển”.
“Ðể công tác quản lý đê điều đúng theo quy định của pháp luật, Hạt Quản lý đê điều đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chủ trương cắm mốc ranh giới giải phóng mặt bằng, hành lang bảo vệ an toàn công trình đê biển Tây. Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh thì Hạt Quản lý đê điều tham mưu cho Chi cục Thuỷ lợi triển khai thực hiện theo trình tự, thủ tục đúng quy định. Ðến nay, đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt phương án thiết kế kỹ thuật - dự toán lập mảnh trích đo địa chính; trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật cắm mốc ranh giới giải phóng mặt bằng, hành lang bảo vệ an toàn công trình đê biển Tây. Dự kiến đến cuối quý II năm 2023 sẽ triển khai cắm mốc ngoài thực địa và đến hết năm 2023 thực hiện hoàn thành”, ông Ðông thông tin./.
Trung Ðỉnh