(CMO) Là giai đoạn chuyển giao từ hoạt động chủ đạo là chơi sang học nên những thay đổi về thể chất, ngôn ngữ, giao tiếp và nhận thức khi bước vào lớp 1 sẽ tạo tâm lý bỡ ngỡ, lo lắng cho bé. Để giúp con mình làm quen dần và thoải mái bắt đầu chặng đường mới, ngay từ thời điểm hè này, các bậc phụ huynh nên dành thời gian quan tâm đến bé nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, do nhu cầu xã hội, đời sống kinh tế phát triển, việc giáo dục con cái ngày càng được các bậc phụ huynh quan tâm và đầu tư hơn. Với tâm lý chung là mong muốn con mình sẽ học tập và có điều kiện phát triển tốt nhất nên ngay từ khi hết cấp học mầm non, để chuẩn bị sẵn sàng cho bé bước vào lớp 1, không ít phụ huynh đã cho con mình học viết chữ, thậm chí học trước chương trình.
Chị Lý Kiều Oanh, Phường 4, TP Cà Mau, cho biết: “Sợ con khi bước vào lớp 1 không nắm được chương trình nên tôi cho bé đi học viết chữ cho quen với cách cầm bút và mềm tay hơn. Vì không có thời gian nên chủ yếu cho bé đi học chứ ít tham gia các hoạt động vui chơi khác”.
Cùng suy nghĩ đó, chị Nguyễn Thị Quý, Phường 9, TP Cà Mau, chia sẻ: “Vì nghĩ rằng kiến thức lớp 1 sẽ nhiều và môi trường học tập sẽ nghiêm khắc hơn nên tôi cho con đi học để làm quen trước. Bây giờ phụ huynh ai cũng cho con đi học trước, nếu con mình không học sẽ không theo kịp bạn bè”.
Tuy nhiên, với tâm lý nôn nóng và lo lắng đó, nhiều phụ huynh vô tình tạo cho bé tâm lý chủ quan và cả cảm giác sợ học. Điều này vừa ảnh hưởng đến khả năng phát triển của bé, vừa gây khó khăn cho việc giảng dạy của giáo viên.
Các bé phải chuyển từ giai đoạn chơi sang học nên sẽ bỡ ngỡ, phụ huynh không nên lo lắng và nôn nóng. (Ảnh chụp tại Trường Mẫu giáo thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển). |
Cô Phan Ngọc Thuỳ Hương, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, có hơn 20 năm trong nghề, chia sẻ kinh nghiệm: “Việc cho bé đi học trước tuy có lợi trước mắt nhưng không ít nguy hại. Nhiều trẻ vì đã được học trước nên khi vào học chính thức sẽ có tâm lý nhàm chán, không hứng thú và không có sự cố gắng. Do đó, ở giai đoạn này, phụ huynh không nên nhồi nhét, bắt bé học quá nhiều mà nên dành thời gian dạy bé những kỹ năng, lễ phép và cách ứng xử với mọi người xung quanh. Đồng thời, cho bé tham gia những lớp thể thao như học bơi, các câu lạc bộ phát triển kỹ năng như múa, vẽ tranh… tạo cho bé sân chơi lành mạnh và tâm lý thoải mái nhất trước khi bước vào giai đoạn học tập mới”.
Không giống bậc học mầm non, khi bước vào môi trường giáo dục mới ở bậc tiểu học, các bé phải học cách tự lập nhiều hơn thay vì được thầy cô chăm sóc như trước.
Ngoài ra, thời gian để vui chơi cũng ít hơn vì các em phải tập trung vào nhiệm vụ chính là học. Những thay đổi về sinh hoạt và học tập như thế có thể sẽ làm các bé bỡ ngỡ đòi hỏi phải có thời gian để làm quen. Do đó, trong thời gian này, phụ huynh không nên nôn nóng bắt bé phải vào nền nếp liền, tránh gây tâm lý sợ học, nên tạo sự thoải mái, phối hợp với nhà trường hướng dẫn để các bé bắt nhịp một cách nhẹ nhàng, thoải mái nhất.
Cô Hồ Huỳnh Phương Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, cho biết: “Bé 6 tuổi là độ tuổi tốt nhất để bước vào lớp 1. Ở thời điểm này, các bé đã có đủ khả năng cả về ngôn ngữ và kỹ năng để nhận thức được các kiến thức cơ bản, bé nào có tố chất tốt hơn sẽ phát triển tốt hơn. Phụ huynh hãy yên tâm vì trường sẽ có hình thức tiếp cận bé, dành 1 tuần để ổn định nền nếp, tập dần cho các em thói quen với môi trường học tập mới, sau đó sẽ dạy cho bé các kiến thức vỡ lòng”.
Kim Chi