(CMO) Những năm gần đây, người tiêu dùng cả nước đặc biệt ấn tượng và tự hào với thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng “ngon nhất thế giới” của Kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự lai tạo. Với những đóng góp cho ngành nông nghiệp Việt Nam, Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 7 Huân chương Lao động do Chủ tịch nước tặng. Riêng ông 2 lần được đề cử là đại biểu dự chương trình “Vinh quang Việt Nam” và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Để có được những thành tích đáng tự hào ấy, Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự đã trải qua hành trình hơn 20 năm lao động miệt mài từ đội nắng, dầm mưa trên đồng ruộng đến thức khuya, dậy sớm trong các phòng nghiên cứu, thí nghiệm, thông qua các mốc thời gian như sau: năm 1978, ông tốt nghiệp khoa trồng trọt Trường đại học Cần Thơ. Năm 1991 tham gia nhóm nghiên cứu của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền Việt Nam. Năm 2000 cho ra đời giống lúa ST3 thơm, ngon được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét đặc cách công nhận là giống lúa cấp quốc gia. Năm 2008 các giống lúa: ST19, ST20, ST21, ST24, ST25 lần lượt ra đời và liên tục đoạt giải nhất ở các cuộc thi lúa gạo trong nước, khiến dư luận ngỡ ngàng, thán phục và người tiêu dùng ấn tượng, yêu thích.
Giống lúa ST24, ST25 của Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua hiện nay đã được nhân rộng khoảng 50 tỉnh, thành của cả nước, trong đó nhiều nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (trong ảnh là thu hoạch lúa ST24 trên cánh đồng mẫu lớn thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, vụ mùa 2020 - 2021). |
Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua trên cánh đồng lúa ST24 nổi tiếng của mình tại thị trấn Mỹ xuyên, tỉnh Sóc Trăng. |
ST24 là giống lúa cao sản ngắn ngày, thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày, là giống lúa kháng sâu bệnh, chịu được thời tiết khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, thích hợp với vùng đất nhiễm phèn, mặn. |
Riêng giống ST24 hai lần được hội nghị thương mại gạo thế giới công nhận là giống lúa ngon nhất thế giới vào năm 2017 và năm 2019, còn giống ST25 là đàn em của ST24, được công nhận là ngon nhất thế giới năm 2019 và ngon thứ nhì thế giới năm 2020.
Gạo ST24 và ST25 được thế giới bình chọn đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, không bạt bụng, khi nấu dẻo thơm, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng, đặc biệt do có hàm lượng đạm cao nên loại gạo này phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, người già và trẻ em.
Cánh đồng canh tác gần 10 ha để chọn giống tại tỉnh Sóc Trăng, theo hướng gạo sạch hữu cơ với quy trình khép kín nhưng rất độc đáo và hiện đại. Trong ảnh là khâu chăm sóc mạ non theo tiêu chuẩn đặc biệt để đưa lên máy cấy. |
Toàn bộ diện tích gần 10 ha của khu thực nghiệm chọn giống đều được gieo trồng bằng máy cấy - một công nghệ mới chưa được phổ biến rộng rãi ở Đồng bằng sông Cửu Long. |
Cả hai loại giống này đều có ưu điểm là năng suất cao, thích hợp với điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, đất phèn, mặn; canh tác được nhiều vụ trong năm. Gạo ST24 và ST25 đã khẳng định được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua hướng dẫn các đoàn khách đến tham quan mô hình trình diễn gạo sạch hữu cơ của mình. |
Mỗi năm, Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua cung cấp hàng trăm tấn lúa giống đạt chuẩn cho khoảng 50 tỉnh, thành trong cả nước. |
Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua nguyên là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục với công việc đam mê của mình và thành lập Trung tâm Giống chất lượng cao gần 10 ha tại quê nhà, để cung cấp các giống lúa ST sạch, an toàn cho khoảng 50 tỉnh, thành trong cả nước với hàng trăm tấn mỗi năm.
Năm 2018, Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua là 1 trong 70 gương mặt điển hình tiêu biểu của cả nước được vinh danh tại Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” và là một điển hình tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10 năm 2020.
Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh, phối hợp với Trường đại học Cần Thơ thí nghiệm so sánh trên 200 dòng lúa, trong đó có giống ST24, ST25 để chọn ra giống lúa thích hợp với vùng đất trước khi phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân. |
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 40.000 ha đất canh tác nông nghiệp xen canh lúa - tôm. Những năm gần đây, phần lớn nông dân đã chọn giống ST24, ST25 thay cho các giống địa phương truyền thống, vì đạt năng suất và giá thành cao. Trong ảnh là mô hình lúa - tôm (giống ST24) trên diện tích 1 ha của ông Nguyễn Văn Xia ở xã Thới Bình, huyện Thới Bình, với năng suất lúa ước đạt từ 7 - 8 tấn/ha. |
Ông là một trí thức cách mạng tiêu biểu, một điển hình của phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Nguyễn Thanh Dũng