(CMO) Bác sĩ Chuyên khoa II Tăng Công Lành, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hội chứng hậu Covid xảy ra ở người bệnh có tiền sử nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian 3 tháng kể từ thời điểm dương tính. Theo đó, các di chứng kéo dài ít nhất thêm 2 tháng nữa, thậm chí xuất hiện ở cả nhóm người vốn không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong thời gian mắc bệnh”.
Các triệu chứng được xem hậu covid-19 là mất ngủ, đau nhức khớp, hụt hơi, khó thở, ho kéo dài, suy giảm trí nhớ... Hậu Covid không chỉ xảy ra ở những người lớn tuổi mà xảy ra với cả những người trẻ.
Đối với những người lớn tuổi, có bệnh nền, sau khi nhiễm Covid thì bệnh tình sẽ trở nên nặng hơn rất nhiều. Vì vậy, mọi người không được chủ quan, thực hiện nghiêm 5K để bảo vệ mình và những người xung quanh. |
Là người trực tiếp thăm khám và điều trị cho những bệnh nhân được cho là hậu Covid, Bác sĩ Tăng Công Lành chia sẻ: “Thực ra, đây là những rối loạn dẫn đến các triệu chứng như trên. Hậu Covid không phải là bệnh lý mà chỉ là triệu chứng. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của hậu Covid. Sau 3 tháng điều trị khỏi Covid-19, nếu người bệnh mắc các triệu chứng không thể giải thích các bệnh khác mới gọi là hậu Covid và cần đi kiểm tra, còn nếu sức khoẻ bình thường thì không cần lo lắng”.
Tuy nhiên, đối với những người có bệnh nền nặng bị nhiễm Covid thì lại là vấn đề khác. Như trường hợp của ông D V V, ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Ông V đến phòng khám Hậu Covid để xin được chuyển viện lên tuyến trên vì gần đây sức khoẻ ông suy kiệt do Covid để lại.
Theo kết quả khám thì ông V mắc di chứng lao phổi và tắc nghẽn phổi mãn tính. Đây được xem là đối tượng có bệnh nền rất nặng. Nên khi bị vi rút xâm nhập thì bệnh tình trở nên nặng hơn rất nhiều.
Bác sĩ Lành giải thích: “Bản thân bệnh lao phổi cộng với bệnh tắt nghẽn phổi mãn tính làm cho mô phổi hô hấp không tốt. 2 bệnh này phối hợp vốn đã làm cho bản thân người bệnh rất khó khăn trong quá trình hô hấp nên khi nhiễm Covid người bệnh có thể ngã quỵ bất cứ lúc nào”.
Ông V cho biết, từ khi sau khi nhiễm Covid , việc hô hấp khó khăn hơn trước rất nhiều, hàng ngày phải sử dụng máy thở.
Ngoài yếu tố bệnh nền, theo ngành chuyên môn, hậu Covid ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh.
Theo Bác sĩ Lành: "Có rất nhiều trường hợp bị tâm lý nhiều hơn triệu chứng. Họ hoang mang khi xung quanh họ ai cũng bị nhiễm Covid, thậm chí chứng kiến người thân chết do Covid và truyền tai về hậu Covid nên gây ra gánh nặng về tâm lý. Có nhiều người vào đây thở không được, phải dùng máy thở hỗ trợ, nhưng sau khi cho đi xét nghiệm, như chụp phổi (không có dấu hiệu bất thường) thì họ lại rất tươi tắn dù chưa có viên thuốc nào. Điều này chứng tỏ họ bị yếu tố tâm lý rất nặng”.
Cũng theo Bác sĩ Lành, triệu chứng hậu Covid đôi khi không cần dùng thuốc mà chủ yếu giải toả được khúc mắc trong lòng. Khám hậu Covid được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là hỏi thăm tình trạng bệnh để tạo niềm tin cho bệnh nhân, ở giai đoạn này phải đánh vào yếu tố tâm lý của bệnh nhân. Xem họ có bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý hay không, tư vấn và chứng minh cho người bệnh thấy là họ không có bệnh. Giai đoạn thứ hai là nghiệm tổng quát. Từ xét nghiệm lâm sàng đưa ra những tư vấn thiết thực hơn cho người bệnh, tạo niềm tin cho họ. Bệnh nào đáng dùng thuốc thì dùng thuốc, triệu chứng nào không nên dùng thuốc thì tư vấn cho họ có niềm tin hoà nhập với cuộc sống bình thường.
Hậu Covid có nhiều triệu chứng khác nhau, chưa có triệu chứng nào cụ thể để chứng minh. Bởi hiện nay nghiên cứu về hậu Covid còn rất ít và chưa có nhóm đối chứng. Vì thế, người từng nhiễm Covid phải lắng nghe cơ thể của mình để phát hiện sớm những triệu chứng bất thường. Đặc biệt là các triệu chứng liên quan bệnh hô hấp để kịp thời điều trị các tổn thương do hậu Covid để lại./.
Kim Cương