ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 18:06:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hậu phương vững chắc cho tuyến đầu

Báo Cà Mau (CMO) Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go, không chỉ có tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tình quân dân được thắt chặt, mà tình thân cũng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Gia đình chính là điểm tựa, hậu phương vững chắc cho những người nơi tuyến đầu an tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Mẹ công tác trong ngành y tế tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19, cha hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, trong tình hình dịch bệnh phức tạp với những nhiệm vụ được giao không đủ điều kiện chăm sóc các con, hơn 3 tháng qua, hai bé Nguyễn Lê Nghi Ðình (4 tuổi) và bé Nguyễn Lê Minh Ðăng (hơn 1 tuổi) sống trong vòng tay chăm sóc của ông bà tại vùng quê thuộc xã Thới Bình, huyện Thới Bình. Thời gian ấy, ông bà trở thành "phụ huynh đặc biệt" của các cháu, yêu chiều, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Việc chăm lo hai cháu tuổi nhỏ, hiếu động khá vất vả, song, thấu hiểu và chia sẻ với công việc của các con, ông Nguyễn Văn Môn và bà Phan Kim Dung đã hỗ trợ, chăm cháu chu đáo giúp các con yên tâm công tác.

Hàng ngày, bà Dung phải thức dậy thật sớm, công việc đầu tiên là thổi lửa nấu cháo cho đứa cháu nhỏ chỉ hơn 1 tuổi ăn sáng. Cháu gái lớn tuy có thể tự ăn được, nhưng khẩu phần ăn khác hẳn so với cháu nhỏ, nên bà phải chuẩn bị 2 phần ăn khác nhau. Ở quê, lại trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, nên tất cả món ăn của các cháu đều tự tay bà nấu nướng, chứ không trông vào hàng quán như ở thành phố hoặc những ngày mua bán bình thường. Khi 2 bé tỉnh giấc, ông bà thay phiên nhau vệ sinh cá nhân cho các cháu, chăm chút từng miếng ăn và cùng nhau trông giữ cháu.

Ở cái tuổi ngoài 60, tóc đã hoa râm, vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc 2 cháu nhỏ, hiếu động khá vất vả. Ông Nguyễn Văn Môn tâm sự: “Ðể hai cháu không cảm thấy nhàm chán những ngày ở quê, vơi đi nỗi nhớ cha mẹ, tôi thường bày trò cho các cháu như: tự chế đồ chơi từ bìa carton, chai, lọ nhựa; dạy cháu làm những công việc nhà phù hợp với lứa tuổi. Khi thấy các cháu vui, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc”.

Bà Phan Kim Dung chia sẻ: "Hàng ngày, khi xem trên tivi, thấy lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu với những công việc đầy nguy cơ và vất vả, tôi liên tưởng đến các con mình. Tôi thường xuyên gọi cho các con nhắc nhở nên cẩn thận, bảo vệ sức khoẻ và yên tâm thực hiện nhiệm vụ, mọi việc nhà đã có tôi và ba nó lo”.

Hai cháu tuổi nhỏ, hiếu động nên ông Nguyễn Văn Môn chăm sóc khá vất vả.

Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, còn nhiều lắm những đứa con đang từng ngày, từng giờ chờ cha mẹ về nhà; những người mẹ, người cha thức trắng đêm thương con nơi tuyến đầu.

Công tác trong ngành công an đứng chân trên địa bàn TP Cà Mau, khi dịch bệnh bùng phát, với đặc thù nhiệm vụ, chị Nguyễn Thị Kiều Diễm phải thường xuyên có mặt tại đơn vị để xử lý công việc, có lúc phải tăng thời gian ứng trực. Không thể chăm lo cho các con, trong khi các cơ sở giáo dục, trông giữ trẻ đều tạm đóng cửa, chị đành phải gửi các con cho ông bà chăm sóc.

"Bước vào cuộc chiến này, tôi cũng như rất nhiều người khác, không thể đứng vững khi không có sự giúp đỡ của người thân. Ông bà đã thay tôi đảm nhận trọng trách của người làm mẹ, giúp tôi yên tâm sát cánh cùng đồng chí, đồng đội trong cuộc chiến chống "giặc" vô hình mang tên Covid-19", chị Diễm chia sẻ.

Khi dịch bệnh bùng phát, không chỉ có những người nơi tuyến đầu căng mình chống dịch, mà những người làm kinh tế trên địa bàn cũng rất bận rộn, vất vả từng giờ, từng ngày để chuỗi kinh tế không bị đứt gãy. Dù là ai, nhiệm vụ nào, tất cả đều có điểm chung là được “tiếp lửa” từ hậu phương. Ðó chính là sự sẻ chia, đồng cảm từ người thân.

Anh Trần Nhân Ái (Phường 8, TP Cà Mau) và vợ cùng hoạt động trong ngành ngân hàng. Do tình hình dịch bệnh, địa phương thắt chặt các giải pháp phòng, chống dịch, vợ chồng anh hàng ngày phải tập trung cho công việc tại cơ quan. Không thể yên tâm để các con ở nhà, anh đành phải gửi con về ở cùng ông bà dưới quê tại huyện Cái Nước.

“Tối nào, sau giờ ăn, vợ chồng tôi cũng gọi video hỏi thăm các con và ông bà. Chủ yếu là kể cho nhau nghe những chuyện nhà, nói lời động viên, an ủi cùng nhau vượt qua đại dịch. Những câu chuyện nhỏ, đời thường ấy như nguồn năng lượng tích cực giúp chúng tôi trở lại công việc với tinh thần vững vàng, tỉnh táo nhất”, anh Ái chia sẻ.

Giờ đây, công nghệ đã giúp kéo gần lại mọi khoảng cách địa lý. Các thành viên trong gia đình hàng ngày có thể dùng những thiết bị thông minh để cập nhật tình hình của nhau. Việc xa nhà, gặp con, gặp người thân qua màn hình điện thoại dường như đã trở thành điều "bình thường" đối với nhiều người. Dù chỉ là một cuộc điện thoại, một tin nhắn động viên, nhưng đó lại là sức mạnh, là động lực mạnh mẽ để cùng nhau chống dịch.

Bước vào cuộc chiến này, ai cũng như ai, luôn lo mình sẽ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, đặc biệt là những "chiến sĩ" nơi tuyến đầu. Bước đi trong tâm bão, chẳng biết mình sẽ bị cuốn đi lúc nào. Dẫu vậy, cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng đang trong thời điểm cam go chống Covid-19, mọi người đều tận tâm, hết sức, chỉ với hy vọng duy nhất là đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống trở lại bình thường như ngày trước./.

 

Văn Ðum

 

Liên kết hữu ích

Nâng tầm y tế cơ sở

Thời gian qua, hệ thống y tế ở địa phương chủ động đầu tư, tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật quan trọng trong hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Việc đầu tư kỹ thuật mới không chỉ nâng tầm, tạo thương hiệu, uy tín cho đơn vị y tế mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí trong khám và điều trị bệnh.

Tận tâm với nghề y

24 năm gắn bó với nghề, Bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Ðặng, Trưởng trạm Y tế xã Khánh Thuận, huyện U Minh, làm việc bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình công tác, Bác sĩ Ðặng luôn hết mình vì người bệnh, tận tâm với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trị liệu nghệ thuật

Trị liệu nghệ thuật là phương pháp sử dụng nghệ thuật như công cụ hữu ích để bệnh nhân cải thiện về tinh thần, cảm xúc, được ứng dụng trong can thiệp phục hồi chức năng (PHCN). Bằng hình thức thực hiện các hoạt động như: vẽ tranh, tô màu, nặn đất sét, âm nhạc và nhảy múa, hay kể chuyện bằng hình ảnh..., trị liệu nghệ thuật được xem như cách chữa lành tâm lý, giúp bệnh nhân cải thiện khả năng điều khiển bàn tay và ngón tay, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sáng nay (9/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm ra quân kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Cà Mau.

Họp đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, sáng nay (8/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tổ chức họp triển khai công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Can thiệp sớm trẻ chậm nói

"Hiện nay, tình trạng trẻ chậm nói khá phổ biến, do bẩm sinh, hoặc môi trường xung quanh. Các dấu hiệu thường khó nhận diện, do phụ huynh chưa nắm rõ các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các bé được đưa đến đây khám chủ yếu bị rối loạn ngôn ngữ, khó giao tiếp bằng ngôn ngữ, hạn chế khả năng tiếp thu...", Bác sĩ Ninh Thị Minh Hải, Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin.

Ðồng hành can thiệp sớm trẻ có vấn đề phát triển

Ở nước ngoài, các gia đình có trẻ gặp vấn đề về phát triển rất quan tâm và nhiệt tình tham gia các nhóm hỗ trợ để thay đổi năng lượng của bản thân, muốn được cung cấp năng lượng tích cực cũng như những kiến thức hữu ích nhằm giúp trẻ nhỏ điều trị bệnh, hoà nhập với cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, với văn hoá Á Ðông như ở Việt Nam nói chung và các tỉnh xa xôi như Cà Mau nói riêng, vấn đề này khá nhạy cảm, khiến các bậc phụ huynh khó thể mở lòng chia sẻ. Nếu cha mẹ không vững vàng thì việc điều trị bệnh cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Tổ chức phi lợi nhuận "Sống cùng tự kỷ" đã kết hợp với Tổ chức phi lợi nhuận "Y học cộng đồng" tổ chức nhóm tương trợ phụ huynh, dành cho gia đình của trẻ có vấn đề về phát triển.

Hướng tới phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh

Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, vào chiều 3/1/2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, mặc dù bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tuy nhiên, trong năm 2024 kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng khả quan. Theo đó, tại tỉnh Cà Mau, tình hình cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm 2024 cũng được đảm bảo, nguồn hàng hoá dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng sốt giá.