(CMO) Nhằm nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và việc kiểm soát, quản lý vận tải hàng hóa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ngày 9/11, Đoàn giám sát Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đã khởi động chuyến giám sát chuyên đề này bằng cuộc làm việc với UBND huyện Cái Nước.
Nhìn chung, trong thời gian qua, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn huyện Cái Nước cơ bản ổn định. Công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, TTATGT được thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Trong đó, các lực lượng quản lý chuyên ngành về ATGT đã tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường thủy lẫn đường bộ, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng,... Kết quả, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của huyện đã phát hiện, xử phạt 2.931 vụ, qua đó từng bước làm dừng, làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cũng như phối hợp với các ngành, các đơn vị trong công tác đảm bảo ATGT đường bộ, đường thủy, bảo vệ hành lang ATGT và kiểm soát, quản lý phương tiện vận tải cũng được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, đem đến nhiều hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. |
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, hệ thống đường bộ, đường thủy khá nhiều, lực lượng của địa phương ít, không bao quát được hết địa bàn, cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao nên tình hình tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn huyện vẫn còn ở mức cao. Vẫn còn trường hợp người dân xây cất công trình trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ (phạm vi đất chưa được bồi thường). Công tác kiểm tra, xử lý các chương ngại vật trên sông vẫn chưa được triệt để; việc lắp đặt nò, đó, vó, lú trên sông vẫn còn xảy ra...
Tại buổi làm việc, các đại biểu có nhiều kiến nghị xung quanh công tác đảm bảo ATGT đường bộ, đường thủy; công tác bảo vệ hành lang ATGT và kiểm soát, quản lý phương tiện vận tải tại địa bàn huyện Cái Nước. Trong đó, có ý kiến cho rằng cần phải có giải pháp xử lý đồng bộ trong quản lý mốc hành lang lộ giới, không để tình trạng cùng trên một tuyến mà huyện này xử lý theo kiểu này, còn huyện kia thì lại xử lý theo kiểu khác.
Với đặc thù của địa phương là gần như chiều dài toàn huyện nằm trọn trên 40 km của tuyến Quốc lộ 1, thế nên trên toàn tuyến sẽ xuất hiện nhiều điểm chợ, điểm trường, điểm đen tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, vì vậy, Ban ATGT huyện kiến nghị cấp trên cần có giải pháp hiệu quả đối với các điểm tiềm ẩn nguy cơ này, như: gắn các biển báo, đèn cảnh báo... nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông lưu thông qua khu vực.
Bên cạnh các kiến nghị, thành viên đoàn giám sát yêu cầu các ngành chuyên môn huyện cần thống kê, rà soát, phân tích lại các số liệu về tai nạn giao thông trên địa bàn, qua đó tìm giải pháp khắc phục có hiệu quả trong công tác đảm bảo TTATGT thời gian tới. Riêng đối với vấn đề tạo sinh kế cho người dân tại các tuyến giao thông đường thủy, các thành viên đoàn yêu cầu các ngành huyện cần có đề án quy hoạch cụ thể kèm theo các giải pháp đảm bảo môi trường, đảm bảo ATGT.
Điểm giao nhau tại chân cầu Lương Thế Trân là một trong những điểm đen về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện Cái Nước. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: “Với đặc thù địa phương trải dọc hơn 40 km theo tuyến Quốc lộ 1, kéo theo nhiều vấn đề phát sinh trên tuyến này, đó là chưa kể các tuyến đường thủy lớn trên địa bàn, lãnh đạo huyện cần đánh giá toàn diện và đi vào chiều sâu các mặt xung quanh việc chấp hành pháp luật trong công tác đảm bảo TTATGT và việc kiểm soát, quản lý vận tải hàng hóa trên địa bàn. Trong đó, cần chú trọng đến vai trò của ngành quản lý, người đứng đầu để từ đó có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo TTATGT cũng như việc kiểm soát, quản lý vận tải hàng hóa tại địa phương, đơn vị quản lý”.
Ông Nguyễn Sơn Ca cho biết, đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc, đồng thời sẽ có bước trình với các cơ quan có thẩm quyền để cùng với huyện tháo gỡ vướng mắc.
Được biết, theo kế hoạch chương trình giám sát chuyên đề này, trong các ngày tới Đoàn giám sát Ban Pháp chế sẽ có các cuộc làm việc với UBND huyện Trần Văn Thời, UBND TP Cà Mau, Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh./.
Lê Chí