(CMO) Bác sĩ Trần Hoán Toàn, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, khẳng định: “Hiến máu không chỉ giúp kiểm soát được hàm lượng sắt trong cơ thể mà còn làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh tim nói chung. Ngoài ra, nó cũng giúp cải thiện được sức khoẻ của trái tim bằng cách làm giảm nguy cơ lão hoá sớm, đột quỵ và đau tim”.
Anh Ngô Trần Vĩnh Nghi, 34 tuổi, nhân viên Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Cà Mau, đã 12 lần anh tình nguyện hiến máu nhân đạo, do Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, với hàng trăm đơn vị máu được cống hiến cho đời, góp phần hỗ trợ nhiều người bệnh vượt qua được những giai đoạn ngặt nghèo nhất lúc bệnh tật. Anh Nghi chia sẻ: “Mỗi lần tôi thực hiện việc hiến máu nhân đạo, bản thân tự thấy niềm vui được nhân đôi. Vì vừa giúp được cho đời, vừa giúp nhịp đập của tim mình được khoẻ hơn, hệ thống lưu thông máu huyết trong cơ thể được sạch hơn. Từ đó, kích thích cơ thể trong việc ăn uống, sinh hoạt thường ngày cũng thấy tốt hơn rất nhiều”.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau thường xuyên liên kết với Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ tổ chức nhận máu nhân đạo từ các tình nguyện viên trên địa bàn tỉnh. (Ảnh minh hoạ)
Các bác sĩ chuyên khoa về tim mạch đã chỉ ra rằng, cứ sau mỗi lần hiến máu là mỗi lần được kiểm tra sức khoẻ, từ đó sẽ giúp cảnh báo và phát hiện ra những nguy cơ đối với sức khoẻ để có biện pháp xử lý kịp thời. Ðồng thời, với người hiến máu thường xuyên, việc hiến máu cũng sẽ giúp họ tự giám sát được sức khoẻ của chính mình. Theo các nghiên cứu, mỗi ngày trong cơ thể có khoảng 200-400 tỷ hồng cầu chết tự nhiên và được thay thế bằng hồng cầu mới. Lượng huyết sắc tố bị tiêu huỷ sẽ giải phóng ra một lượng sắt, một phần tái hấp thu tạo máu mới, một phần thải ra ngoài và một phần tồn tại trong cơ thể, là kho dự trữ. Chính vì thế, việc hiến máu sẽ làm giảm lượng sắt dư thừa không cần thiết và những người hiến máu thường xuyên sẽ giúp quá trình thải sắt thuận lợi hơn.
Không những thế, mà việc sau mỗi lần hiến máu cũng giống như người hiến máu gửi máu của mình vào ngân hàng máu. Khi không may mắn, người hiến máu cần nhận máu, xuất trình giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện là sẽ được bồi hoàn máu miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.
Ðối với vấn đề về hệ tim mạch, hiến máu có tác dụng tích cực trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và gan do tình trạng cơ thể thừa sắt quá mức gây ra. Vì một chế độ ăn uống giàu sắt có thể làm tăng nồng độ sắt trong máu. Sau khi hiến máu, cơ thể sẽ huy động năng lượng, nguyên liệu để tái tạo lượng máu mới, nên nó giúp cho chúng ta ăn ngon miệng và ngủ ngon giấc hơn. Do đó, hành động hiến máu nhân đạo không chỉ mang đến những lợi ích về sức khoẻ tinh thần mà còn giúp tăng cường về thể chất và giúp kéo dài tuổi thọ, nhất là đối với tuổi thọ của tim mình. Ngoài ra, hàm lượng sắt trong cơ thể thấp đi còn làm giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng bệnh ung thư. Nguy cơ bị ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết, phổi, gan, họng… Quá trình bổ sung lượng máu mới, có thể giúp cơ thể làm mới hệ thống và giữ cho cơ thể khoẻ mạnh, cũng như làm việc hiệu quả hơn./.
Phương Vũ