Trong năm 2023, Thường trực HÐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 14/NQ-HÐND về Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HÐND tỉnh Cà Mau (Ðề án). Từ đó, các hoạt động của HÐND tỉnh không ngừng đổi mới theo hướng linh hoạt, khoa học, hiệu quả, phát huy dân chủ, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đại biểu; đáp ứng kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Đề án ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, khắc phục những hạn chế thời gian qua, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của HÐND tỉnh theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương trong điều kiện mới.
Mục tiêu cụ thể của Ðề án là tất cả các kỳ họp của HÐND tỉnh (cả thường lệ và chuyên đề) đều được thực hiện chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định và đạt chất lượng cao nhất. Tất cả các nghị quyết của HÐND tỉnh ban hành đều đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định, đúng thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo khả thi, thực hiện hiệu quả. Hoạt động giám sát của HÐND, Thường trực, các ban, các tổ đại biểu được thực hiện đúng quy định, đi vào chiều sâu, sát với tình hình, nhiệm vụ, đạt chất lượng; các kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả. Hoạt động tiếp xúc cử tri thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, ý kiến, kiến nghị của cử tri được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri, kiến nghị sau giám sát đều được thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện.
Thường trực HĐND tỉnh thực hiện giám sát qua việc tổ chức các phiên giải trình, nhằm nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trước nhân dân.
Bám sát nghị quyết, trong năm qua, ngoài 2 kỳ họp thường lệ, Thường trực HÐND tỉnh còn tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề để quyết định một số nội dung quan trọng, tạo hành lang pháp lý trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện công tác cán bộ theo thẩm quyền. Công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp với tinh thần “từ sớm, từ xa” và “kỳ họp không giấy”, dành nhiều thời gian cho thảo luận ở các tổ, tổng hợp ý kiến phát biểu của đại biểu thông qua ứng dụng chuyển giọng nói thành văn bản để đảm bảo tổng hợp chính xác, đầy đủ các ý kiến của đại biểu. Công tác điều hành kỳ họp đổi mới theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết; tăng thời gian thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
Năm qua, Thường trực HÐND tỉnh ban hành 83 nghị quyết (gồm 36 nghị quyết quy phạm pháp luật và 47 nghị quyết cá biệt), trong đó có 4 nghị quyết đặc thù của địa phương. Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, nhấn mạnh: “Việc ban hành các nghị quyết của HÐND, nhất là nghị quyết cụ thể hoá các chủ trương, quy định pháp luật, trước đây UBND tỉnh giao các sở, ngành đề xuất, nay HÐND không “ngồi chờ” mà Thường trực và các ban tích cực nghiên cứu nắm bắt các chủ trương, chính sách, quy định mới để kịp thời, chủ động đề xuất xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền của HÐND tỉnh”.
Hoạt động giám sát được đa dạng hoá hình thức. Ngoài giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên và tổ chức giám sát, khảo sát chuyên đề, Thường trực còn thực hiện giám sát qua việc tổ chức 2 phiên giải trình về “tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt” và “việc thực hiện sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, nhằm nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trước Nhân dân.
Ðại biểu tham gia ý kiến tại phiên họp giải trình về việc thực hiện sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh (tháng 8/2023).
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, điểm mới là Tỉnh uỷ giao Uỷ ban Kiểm tra chủ trì, tổ chức cuộc họp với HÐND tỉnh, Thanh tra tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, đề xuất, phân công nội dung kiểm tra, giám sát, thanh tra, để thực hiện nhiệm vụ không bị chồng chéo nội dung, đối tượng. Qua đó, cũng xác định nội dung, đơn vị kiểm tra, giám sát để phân công cơ quan thực hiện xứng tầm, đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động hậu giám sát, Thường trực phân công theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; tái giám sát khi cần thiết. Kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện hoặc chậm thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Hoạt động tiếp xúc cử tri được đổi mới theo hướng thiết thực, mở rộng dân chủ và gắn với cơ sở nhiều hơn, đặc biệt đối tượng tiếp xúc giảm số lượng thành phần cử tri là cán bộ, công chức tại cơ sở, tăng số lượng cử tri là người dân và đa dạng hoá thành phần khi mời tham dự các buổi tiếp xúc cử tri. Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cử tri khi tham dự các buổi tiếp xúc với đại biểu dân cử, thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình; tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho sự phát triển chung của địa phương và đất nước.
Nghị quyết số 14/NQ-HÐND về Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HÐND tỉnh Cà Mau là cơ sở, quyết tâm của HÐND tỉnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, phát huy vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh./.
Mộng Thường