Tình trạng vi phạm giảm rõ rệt, nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) được phục hồi, nhiều mô hình sinh kế hiệu quả được nhân rộng... là những kết quả nổi bật sau gần 1 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác NLTS có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030
- Thành phố Cà Mau tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17
Đón tôi tại đầu tuyến T19 sau những câu chào hỏi, anh Quách Minh Hoà, Trưởng Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, liền khoe rằng trên địa bàn, chẳng những không còn tình trạng người dân sử dụng các loại công cụ khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt, tận diệt, mà bà con còn tiến hành khoanh nuôi và áp dụng các biện pháp vừa khai thác kết hợp với bảo tồn.
Ðể minh chứng cho kết quả ấy, anh Hoà dẫn tôi dạo một vòng trên tuyến T19 đoạn đi qua địa bàn ấp. “Hiện nay, hầu hết bà con nơi đây thực hiện mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng và trồng rừng. Thời gian gần đây mô hình này mang lại hiệu quả rất cao, không chỉ góp phần đưa ấp xoá trắng hộ nghèo mà còn giúp nhiều bà con (khoảng 80%) có cuộc sống khá giả và xây được nhà kiên cố”, anh Hoà chia sẻ thêm.
Với nhu cầu thị trường hiện nay, các loại cá đồng có giá trị kinh tế cao nếu được bảo vệ, khai thác hợp lý sẽ tạo ra nguồn thu ổn định cho người dân.
Là hộ có đến 4 ha trồng bồn kết hợp nuôi cá đồng ở khu vực này, ông Nguyễn Văn Tong cho biết, mỗi tháng gia đình thu hoạch hơn 2 tấn bồn bồn, hiện nay giá thu mua của thương lái khoảng 20 ngàn đồng/kg, mang về nguồn thu đáng kể. Riêng con cá đồng thì không có thống kê cụ thể, bởi cứ thu hoạch được dài dài bằng các loại lưới có kích thước lớn, chớ không theo kiểu tát cạn để bắt một lần như trước.
Không riêng trên địa bàn xã Khánh An, việc tạo sinh kế cho người dân giúp bà con có thu nhập ổn định là giải pháp được huyện U Minh đặc biệt chú trọng, triển khai bằng những mô hình kinh tế hiệu quả, nhằm giảm tình trạng người dân tái phạm các hoạt động khai thác mang tính huỷ diệt, tận diệt. Theo bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, bên cạnh công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, thành lập các tổ cộng đồng quản lý nguồn lợi thuỷ sản... thì huyện còn triển khai thí điểm và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả để cải thiện thu nhập cho người dân, hạn chế tình trạng vì áp lực kinh tế mà vi phạm trong khai thác NLTS.
Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến mô hình trồng bồn kết hợp nuôi cá đồng tại Ấp 13 và Ấp 14, xã Khánh An, hằng năm mang về lợi nhuận hơn 150 triệu đồng; mô hình trồng cây ăn trái trên bờ bao; mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh; mô hình trồng lúa chất lượng kết hợp với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến; mô hình trồng lúa an toàn kết hợp nuôi tôm càng xanh luân canh 2 giai đoạn...
Trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã góp phần đáng kể hạn chế tình trạng người dân khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt.
Một kết quả tích cực nhất có thể thấy là, sau gần 1 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, tất cả các ngành, các cấp và người dân đã chủ động, tích cực vào cuộc. Từ đó, các hành vi vi phạm về khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt, tận diệt nguồn lợi được ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất và nguồn lợi đang dần được phục hồi. Như tại xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, ông Kiều Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã, cho biết, xã đã thành lập được 30 tổ quản lý cộng đồng với 158 thành viên, tập trung 20 tuyến kênh rạch được xác định có nhiều NLTS mà các đối tượng thường hoạt động. Từ đó, việc quản lý địa bàn, theo dõi đối tượng được nhanh chóng, kịp thời, hạn chế thấp nhất vi phạm. Qua theo dõi thời gian gần đây, NLTS trên các tuyến kênh được phục hồi rất nhanh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển NLTS và tác hại của việc sử dụng các loại hình khai thác mang tính huỷ diệt, được chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, hầu hết người dân hiểu tác hại của việc sử dụng các loại hình khai thác mang tính huỷ diệt không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, cạn kiệt NLTS, mất cân bằng hệ sinh thái mà còn nguy hiểm đến tính mạng con người. Nhiều hộ dân đã tự nguyện giao nộp các thiết bị khai thác mang tính huỷ diệt, tận diệt và chung tay với Nhà nước, cộng đồng bảo vệ, gìn giữ, bảo tồn và phát triển bền vững NLTS. Qua khảo sát cho thấy NLTS đang dần được phục hồi, tuy nhiên đây cũng là điều khiến chính quyền địa phương lo ngại chuyện vì lợi ích kinh tế mà người dân sẽ tái phạm.
Cần tăng cường tuyên truyền để việc khai thác cá đồng của người dân có chọn lọc.
Tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc khai thác, đánh bắt thuỷ sản mang tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh là mục tiêu mà Chỉ thị số 17-CT/TU đang hướng tới, nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống ngày một tốt hơn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một tác động nặng nề và khó lường. Ðể tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TU thời gian tới, theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Sở đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Ðề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, một điều quan trọng là các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương chống khai thác NLTS có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục vận động người dân không sử dụng các loại hình, công cụ khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt dưới mọi hình thức./.
Nguyễn Phú