(CMO) Cà Mau có bờ biển dài 254 km, là nơi chịu tác động nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, gây sạt lở nghiêm trọng từ Ðông sang Tây. Hàng trăm héc-ta đất ven biển, diện tích cây rừng phòng hộ mất đi mỗi năm.
Trước tình huống cấp bách, thông qua nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế, thời gian qua đã hình thành nên tuyến đê và kè hộ đê bên bờ biển Tây, được xem là quy mô, kiên cố.
Ðã có 51 km đê được hình thành, từ Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) đến thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) và đang tiếp tục xây dựng tuyến đê từ thị trấn Sông Ðốc đến thị trấn Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân).
Riêng hệ thống kè hộ đê, với nhiệm vụ làm giảm tác động của sóng gần bờ, tạo bãi nhằm khôi phục đai rừng phòng hộ vùng biển này, cũng được hình thành với nguồn đầu tư đến nay trên 1.000 tỷ đồng. Nhiều giải pháp công trình kiên cố với nguồn lực ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, ven bờ biển Tây Cà Mau chưa bao giờ được bình yên. Tình trạng sạt lở, sự cố sụp lún liên tục xuất hiện, công việc khẩn cấp hộ đê không ngơi nghỉ và đất ven biển, rừng phòng hộ vẫn cứ tiếp tục mất đi…
Hệ thống kè hộ đê với chức năng làm giảm tác động của sóng biển cũng bị uy hiếp bởi những đợt thiên tai. (Ảnh chụp tại tuyến kè hộ đê vàm Ba Tĩnh, huyện Trần Văn Thời). |
Khe nứt giữa thân đê biển Tây, đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) ngày càng rộng ra, nhất là khi có mưa, chia đôi mặt đê nghiêng hai bên về mái đê. |
Phía ngoài xa biển là kè phá sóng hộ đê, ven bờ là kè rọ đá bảo vệ chân đê, cùng với đó là hệ thống kiên cố hoá áp mái chân đê…, nhưng tất cả xem ra khá mong manh trước tác động của thiên tai. |
Rừng phòng hộ biến mất, đất ven biển từng ngày tan vào biển cả… dù phía ngoài xa có hệ thống kè hộ đê. (Ảnh chụp tại vị trí phía bờ Nam cống Kênh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời). |
Theo thông tin mới nhất từ Sở NN&PTNT, hiện nay 2 lớp kè rọ đá bảo vệ bờ biển, đoạn bờ Bắc vàm Lung Ranh đã bị sóng biển làm đứt, đá rơi ra ngoài, dẫn đến cao trình đỉnh kè hạ thấp, còn từ 40-50 cm so với mặt đất rừng, gió mạnh, thuỷ triều lên cao, sóng biển tràn qua kè rọ đá, bào mòn nhanh bề mặt đất rừng hiện hữu chiều dài trên 100 m. Ðoạn này đai rừng phòng hộ còn từ 8-12 m tới mương vuông cũ, từ mương vuông cũ đến chân đê biển Tây còn từ 70-80 m. Ðặc biệt, đoạn bờ biển từ vàm T25 + 700 m và T29 + 1.300-1.700 m hướng về xã Khánh Hội có nhiều điểm bị sạt lở sâu, với chiều dài khoảng 1.500 m. Ðoạn này bên ngoài chưa có kè rọ đá, đai rừng phòng hộ còn trung bình khoảng 25-40 m, có đoạn còn từ 15-20 m tới chân đê nếu không có giải pháp gia cố kịp thời. Hiện nay, Chi cục Thuỷ lợi đang bố trí lực lượng đê điều túc trực thường xuyên tại các đoạn từ T25-T29, hướng về xã Khánh Hội để kịp thời gia cố kè rọ đá bảo vệ đê biển Tây vững chắc trong những ngày mưa bão. Ðể khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và nạo vét lại các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng, tỉnh cần được các bộ, ngành bố trí nguồn kinh phí khoảng 1.047 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn xử lý đối với các công trình chống sạt lở khẩn cấp, đặc biệt nguy hiểm khoảng 797 tỷ đồng và kinh phí nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng trước mùa mưa bão năm 2021 khoảng 250 tỷ đồng. Trung Đỉnh |
Trần Nguyên thực hiện