Với mong muốn tạo điều kiện giúp đỡ người mãn án trở thành người có ích cho xã hội, Công an huyện U Minh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động trợ giúp tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề và tư vấn việc làm cho những đối tượng này.
- Tạo điều kiện cho người nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng
- Giúp người từng lầm lỡ sớm hoà nhập cộng đồng
- Trợ lực người sau cai nghiện tái hoà nhập
Hiện tổng số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương đang quản lý trên toàn huyện U Minh có 413 người. Thời gian qua, Công an huyện luôn quan tâm hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn. Thượng uý Nguyễn Chí Ðỉnh, Bí thư Ðoàn Thanh niên Công an huyện, chia sẻ: “Những người chấp hành xong án phạt tù thường có tư tưởng mặc cảm, tự ti với cộng đồng, không có công việc nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, Công an huyện phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi về tư vấn pháp lý, hỗ trợ tư pháp, tìm kiếm việc làm, vay vốn để người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định nuôi sống bản thân, gia đình, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Kết quả thực hiện các hoạt động trên trong thời gian qua đã đạt hiệu quả tích cực, giúp người chấp hành xong án phạt tù vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, kéo giảm tỷ lệ tái phạm tội...”.
Ðồng thời, địa phương còn tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác tái hoà nhập cộng đồng, nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xoá bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù.
Việc hỗ trợ tâm lý cho các đối tượng này cũng rất cần thiết. Theo đó, lực lượng Ðoàn Thanh niên huyện đã tham gia tư vấn, giúp họ xoá bỏ mặc cảm tự ti, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoà nhập cộng đồng; nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ xã hội.
Công an huyện U Minh phối hợp với Phòng LÐ-TB&XH huyện, Huyện đoàn và UBND xã Khánh Hoà tổ chức hoạt động trợ giúp tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề và tư vấn việc làm cho người mãn án.
Chị Danh Thị Mị, Phó bí thư Xã đoàn Khánh Hoà, chia sẻ: “Hoạt động trợ giúp về tâm lý được thực hiện ngay khi người chấp hành xong án phạt tù trở về nơi cư trú. Theo đó, lực lượng Xã đoàn cung cấp thông tin, tài liệu trên cơ sở nhu cầu cần được trợ giúp của người chấp hành xong án phạt tù. Thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt cộng đồng, diễn đàn với chủ đề về các nội dung người chấp hành xong án phạt tù cần được trợ giúp; tư vấn thông qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử, điện thoại và các phương tiện thông tin, truyền thông khác, đã giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hoà nhập cộng đồng và phòng chống các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật”.
Ðể các đối tượng này sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) huyện đã triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp quy định của pháp luật, đơn vị, địa phương để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, giáo dục, giúp người chấp hành xong hình phạt tù tiếp cận với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Qua đó, hướng dẫn cách thức, thủ tục để được giới thiệu việc làm, tiếp cận cơ sở cần lao động. Ðồng thời, lồng ghép thực hiện các đề án, chương trình, cuộc vận động, phong trào đang triển khai trên địa bàn để đa dạng nguồn lực; chú trọng quan tâm công tác tư vấn, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm, xây dựng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng.
Ông Ðào Quốc Kiểng, Phó trưởng phòng LÐ-TB&XH huyện, cho biết: “Thời gian qua, phòng thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, để người chấp hành xong án phạt tù nắm được các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho họ. Ðồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho người chấp hành xong hình phạt tù tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng. Ðây là chủ trương rất nhân văn, mang ý nghĩa sâu sắc, giúp người chấp hành xong án phạt tù không bị bỏ lại phía sau, ổn định cuộc sống”.
Có thể nói, hoạt động trợ giúp tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề và tư vấn việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn và thiết thực, góp phần hỗ trợ họ có thêm điều kiện về địa phương sớm tìm được việc làm, ổn định tâm lý, tái hoà nhập cộng đồng. Hơn hết, cần sự chung tay của cộng đồng, tránh tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù để họ có cơ hội, thêm nghị lực trở thành người có ích cho xã hội./.
Quách Nguyên - Lâm Như