Thời gian qua, công tác hỗ trợ người nghiện tái hoà nhập cộng đồng luôn được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm. Cùng với việc chăm sóc, điều trị, phục hồi sức khoẻ, công tác đào tạo việc làm, định hướng nghề nghiệp được Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh (Cơ sở) chú trọng, nhằm từng bước tạo điều kiện trang bị hành trang đầy đủ để người sau cai có thể tự tin vững bước trong hành trình tái hoà nhập cộng đồng.
- Quản lý sau cai nghiện - Vẫn là bài toán khó
- Tạo điều kiện cho người nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng
- Giúp người từng lầm lỡ sớm hoà nhập cộng đồng
Em N.D.T, sinh năm 1996, ngụ phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, vào Cơ sở để điều trị từ tháng 9/2023, với thời hạn chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc là 16 tháng. Sau nhiều lần tái nghiện, lần này T quyết tâm làm lại cuộc đời, bởi hiện tại em đang được tiếp cận lớp học nghề điện lạnh do Cơ sở phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau tổ chức, đây cũng là lớp nghề về điện lạnh đầu tiên được tổ chức tại cơ sở.
Em T hồ hởi chia sẻ: “Trước đây em cũng đã có tiếp cận qua nghề sửa chữa điện lạnh, thế nên khi vào đây, được tạo điều kiện cho học lớp này, em rất phấn khởi. Do có biết chút ít từ trước nên việc học, tiếp thu của em cũng nhanh hơn các bạn. Ðiều quan trọng là em thấy nghề này rất phù hợp với mình. Mong muốn sau khi học ra nghề, khi về nhà cố gắng kiếm số vốn để đi làm kiếm thu nhập nuôi sống bản thân và tự vươn lên trong cuộc sống".
Các học viên trong giờ thực hành của lớp dạy nghề điện lạnh tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau.
"Nhiều khi ngồi nghĩ lại, cũng từ việc bản thân không có công ăn việc làm nên mới sa ngã, nếu như có việc làm đàng hoàng thì đâu có chuyện tụ tập để mà nghiện ngập. Thế nên, đây là lần em có nhiều quyết tâm nhất, cố gắng làm lại từ đầu và không để mình là gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội”, em T bày tỏ.
Cũng với quyết tâm làm lại cuộc đời sau lầm lỡ, em V.H.N, sinh năm 1993, ngụ xã Trí Phải, huyện Thới Bình, bộc bạch: “Tuổi trẻ bồng bột, lỡ sa ngã vào con đường này thực sự mất rất nhiều thứ. Ðây là lần thứ 3 em vào đây, nhưng đây là lần em quyết tâm cai. Em thấy nghề điện lạnh giờ rất thông dụng, thế nên em cố gắng học thành thạo nghề để sau khi về địa phương có thể tự kiếm sống bằng nghề này”.
Quyết tâm của em T và em N cũng là suy nghĩ của đa số học viên khi tham gia lớp học nghề điện lạnh đang tổ chức tại Cơ sở. Ðối với họ, hành trình tìm lại cuộc đời, trở lại hoà nhập cộng đồng là từ con số không, do đó, việc trang bị cho mình một cái nghề để có thể tự vươn lên chính là hành trang thiết thực nhất. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề đối với học viên cai nghiện cũng không phải là chuyện dễ, bởi không phải học viên nào cũng có quyết tâm theo học để thạo nghề.
Các học viên đang thực hiện đan lục bình tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau.
Thầy Trần Mảnh Khương, giảng viên Khoa Ðiện - Ðiện tử, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, chia sẻ: “Ða phần các em tham gia lớp học này chịu học hỏi, có nhiều em còn tỏ ra đam mê, chí thú học tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số em khó nắm bắt được kiến thức nên dễ bị nản. Nếu như các em chịu học theo đúng chương trình đào tạo thì đảm bảo khi ra nghề sẽ sửa chữa được các thiết bị dân dụng, có thể kiếm thu nhập nuôi sống bản thân. Bởi hiện nay nghề điện lạnh đang là nghề dễ kiếm sống, một ngày chỉ cần đi vệ sinh hoặc lắp đặt một vài máy lạnh cũng có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng”.
Ðược biết, mỗi năm Cơ sở phối hợp với các đơn vị đào tạo tổ chức lớp dạy nghề cho hàng trăm học viên cai nghiện. Ngoài lớp đào tạo nghề cơ bản về lắp đặt, sửa chữa điện lạnh lần đầu tổ chức tại đây, còn có nhiều lớp truyền nghề, như: đan lục bình, làm lông mi giả... Ðây là những hành trang thực sự ý nghĩa, hữu ích cho học viên sau khi hoàn thành cai nghiện tại cơ sở để trở về tái hoà nhập cộng đồng. Ðể công tác cai nghiện mang lại hiệu quả hơn thì cần có sự chung tay của cả cộng đồng, của toàn xã hội tạo điều kiện để người sau cai được vay nguồn vốn, tạo sinh kế. Và hơn ai hết, người sau cai phải tỏ rõ quyết tâm, nỗ lực từ bỏ ma tuý để làm lại cuộc đời./.
Lê Chí