(CMO) Đê biển Tây tỉnh Cà Mau dài hơn 100 km, thuộc địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Đây là nơi trọng yếu bảo vệ hơn 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn hộ dân, ngoài ra còn có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng - an ninh.
Những năm gần đây do biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác, bờ biển Tây trở thành “rốn lở” của đồng bằng sông Cửu Long: Mất rừng phòng hộ, sạt lở sát chân đê, báo hiệu những thảm họa tiềm ẩn.
Năm 2019 tỉnh Cà Mau đã 2 lần ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến đê biển Tây.
Năm 2020 tỉnh Cà Mau cũng đã 2 lần ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đê biển Tây, lần gần nhất là ngày 21.10.2020 liên quan đến 5 vị trí sạt lở với tổng chiều dài 5.835 mét thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh. Tất cả các đoạn đê này đang sạt lở rất nghiêm trọng gây nguy hiểm trực tiếp đến các công trình trọng điểm như: Trường học, đường dây điện cao - trung thế, các khu dân cư tập trung và diện tích đất sản xuất nông nghiệp...
Trước nguy cơ thảm họa từ thiên nhiên, những năm qua tỉnh Cà Mau đã huy động hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để xây dựng đê, bờ kè ven biển.
Vào những lúc cao điểm của mùa mưa bão, tỉnh Cà Mau đã huy động hàng ngàn lượt người gồm lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân để hộ đê. Ngoài ra, còn cắt cử lực lượng túc trực 24/24 để gia cố đê, bờ kè và theo dõi, giám sát để báo động ứng cứu kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Chống biến đổi khí hậu, thiên tai dịch họa là một cuộc chiến lâu dài và tốn kém, đòi hỏi ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng và sự chung tay của toàn xã hội. Đây cũng là tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng chống thiên tai, bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhân dân mà các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân cần nghiêm túc thực hiện./.
Bờ biển Tây dài 154 km, do biển xâm thực nên đai rừng phòng hộ thành hình răng cưa, nhiều nơi biển tiến sát chân đê, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. |
Xây dựng bờ kè ven biển, cách chân đê khoảng 300 mét để bảo vệ những đoạn xung yếu với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. |
Bờ kè được xây dựng theo dạng ly tâm hở thân thiện với môi trường, vừa để giảm cường độ sóng, vừa lắng đọng phù sa tạo bãi, nhằm khôi phục diện tích rừng tạo vành đai phòng hộ bảo vệ đê. |
Hộ đê khẩn cấp ở những đoạn bị sóng đánh vỡ do mất trắng đai rừng phòng hộ bằng cách đóng cừ tràm, tấn bao cát. |
Gia cố đê bằng rọ đá và bê tông ở những đoạn xung yếu không còn đai rừng phòng hộ che chắn sóng biển. |
Vào những lúc cao điểm của mùa mưa bão, tỉnh Cà Mau đã huy động hàng ngàn lượt nhân công kể cả lực lượng vũ trang bằng tất cả phương tiện, vật liệu để hộ đê. |
Tỉnh Cà Mau đã xây dựng khu tái định cư Hương Mai thuộc ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh để di dời 240 hộ dân sống ở chân đê và ven rừng phòng hộ để vừa đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống của họ, vừa giảm áp lực phá rừng. |
Thành quả hưởng trái ngọt đầu tiên của việc xây dựng bờ kè ven biển: Đoạn rừng phòng hộ 5 năm tuổi được trồng thí điểm năm 2015 trong bờ kè thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, có chiều sâu150 mét, chiều dài 3000 mét đang phát triển tốt. Đây là giải pháp bền vững, ổn định lâu dài cho đê biển Tây (Ảnh chụp bằng Flaycam 3600). |
Sau khi phù sa lắng đọng và tạo bãi bên trong bờ kè ở những đoạn tiếp theo, rừng sẽ tiếp tục được phủ kín để trở thành bức tường xanh bảo vệ vững chắc đê biểnTây. |
Nguyễn Thanh Dũng