Ngày 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp; Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Qua 12 năm triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp (Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 10/6/2020. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã quan tâm hơn đến công tác giám định tư pháp, từng bước nhận diện và triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao về giám định tư pháp. Chuyển biến rõ nét là từ khi thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2018.
Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
Tính đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Pháp y, trong đó có 2 mô hình phòng giám định pháp y thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh. Cả nước có 580 tổ chức giám định tư pháp, đã thực hiện hơn 1 triệu vụ việc ở các lĩnh vực theo trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả triển khi thực hiện Luật Giám định tư pháp trong thời gian qua, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, lắng nghe tham luận và trao đổi của đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương về thực trạng hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực: an ninh, tài chính, phòng chống tham nhũng, pháp y...
Qua đó, các đại biểu cùng thảo luận đề ra 12 giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của hoạt động tố tụng trong thời gian tới./.
Mỹ Pha