ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 3-2-25 02:08:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hồi sinh những trái tim

Báo Cà Mau (CMO) Mang trong mình một trái tim không lành lặn, nhiều em nhỏ không may mắc bệnh tim bẩm sinh phải chịu đau đớn, thiệt thòi. Căn bệnh quái ác ấy còn khiến các bậc làm cha, làm mẹ rơi vào tuyệt vọng bởi chi phí cho một cuộc phẫu thuật tim lên đến hàng trăm triệu đồng, một con số vượt ngoài khả năng những gia đình không có điều kiện kinh tế.

Trái tim non được tái sinh

Cha mất, gia đình chỉ còn mẹ già và 3 anh em sống nương tựa lẫn nhau, em Trần Huyền Trinh (ấp Bình Ðịnh, xã Tân Thành, TP Cà Mau) không may mắn như bao đứa trẻ khác khi phải sống chung với căn bệnh tim bẩm sinh suốt 7 năm ròng. Mọi lo toan về kinh tế đè nặng lên đôi vai của anh Trần Chí Thoại (anh trai của Trinh). Ước muốn tìm lại nhịp đập khoẻ mạnh cho trái tim của cô em gái dường như quá xa vời khi thu nhập của anh Thoại chỉ đủ ăn đủ sống.

Vào một ngày đẹp trời của tháng 6/2022, thông qua sự kết nối của Bệnh viện Sản - Nhi và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, Huyền Trinh được đưa đến bệnh viện khám sàng lọc, thật may mắn em được tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật tim, khoảng hơn 100 triệu đồng. “Sau khi được các bác sĩ của Bệnh viện Tim Tâm Ðức chữa trị, sức khoẻ của em tôi cải thiện rất nhiều. Thật sự có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến ngày em tôi được chữa khỏi bệnh. Gia đình tôi mang ơn các anh chị mạnh thường quân nhiều lắm”, anh Thoại bộc bạch.

Các em nhỏ được tầm soát bệnh tim miễn phí tại xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Căn nhà ở đậu của vợ chồng chị Xa Thị Bản (ngụ Phường 2, TP Cà Mau) dường như ấm áp, ngập tràn tiếng cười trẻ thơ hơn khi cô con gái út Lưu Thị Hương Giang (3 tuổi) vừa hoàn tất ca phẫu thuật tim vào tháng 9 vừa qua.

Từ khi mới sinh ra, Hương Giang ngủ nhiều, chậm phát triển, đến khi bé được 8 tháng gia đình đưa đi khám thì phát hiện con bị tim bẩm sinh. “Vợ chồng chỉ biết làm thuê, ai kêu gì thì làm đó, ngay cả căn nhà đàng hoàng để ở còn chưa có thì làm sao dám nghĩ đến tiền trị bệnh cho con. Nhìn thấy con còn quá nhỏ mà mắc bệnh hiểm nghèo, vợ chồng tôi xót xa lắm”, chị Bản nghẹn ngào. Và rồi phép màu đã đến, ca phẫu thuật miễn phí trị giá 124 triệu đồng đã tiếp thêm nhịp đập cho trái tim của Hương Giang, giúp em giành lại sự sống, vững bước vào đời.

Trường hợp của Huyền Trinh và Hương Giang là 2 trong số 12 bé được hỗ trợ mổ tim miễn phí thông qua chương trình khám sàng lọc bệnh tim, do Bệnh viện Tim Tâm Ðức phối hợp cùng Bệnh viện Sản - Nhi và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau tổ chức vào tháng 6 và tháng 10 vừa qua.

Bà Nguyễn Võ Thanh Hoa, Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết: “Tổng giá trị các ca mổ tim được tài trợ tính đến thời điểm này đã lên đến 1,1 tỷ đồng. Nhiều năm nay chúng tôi được nhiều tổ chức phi Chính phủ đồng hành tài trợ chi phí mổ tim cho trẻ dưới 16 tuổi. Các cháu đều là con của hộ nghèo, cận nghèo, không đủ điều kiện chi trả phí phẫu thuật. Chương trình là cầu nối hữu hiệu giúp các em nhỏ có được một trái tim khoẻ mạnh như bao người bình thường”.

Khát khao được khoẻ mạnh

Trong dòng người đến khám tầm soát tim tại xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, trong một ngày cuối tháng 10, chúng tôi tình cờ gặp được chị Huỳnh Thị Thanh Mai (27 tuổi, ngụ ấp Kinh Ðào Ðông) với dáng người nhỏ nhắn, yếu ớt. Sau khi được bác sĩ khám tầm soát, chị là trường hợp duy nhất trong ngày hôm đó được bác sĩ chỉ định phẫu thuật và chi phí ca mổ dự kiến khoảng 81 triệu đồng. Cầm hồ sơ bệnh án trên tay, chị Mai cùng người mẹ ruột không giấu được nỗi buồn trên gương mặt vì chính bản thân chị không nghĩ rằng chi phí ca mổ lại tăng gấp đôi so với lần chị đi khám cách đây 5 năm.

Chị Mai kể lại: “Năm 2017, tôi có đến Bệnh viện Tâm Ðức để khám và phát hiện mình bị thông liên nhĩ (một trong những dạng bệnh tim xảy ra ở tuổi vị thành niên), lúc đó bác sĩ chỉ định tôi phải phẫu thuật và chi phí ca mổ hơn 40 triệu đồng. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, tôi chỉ đi lựa tôm mướn kiếm sống, nên không có khả năng phẫu thuật. Ðể đến ngày hôm nay khi đến tái khám, nghe bác sĩ nói chi phí tăng lên gấp đôi, tôi vô cùng lo lắng bởi không biết phải xoay xở như thế nào”.

Theo Bác sĩ Trần Tử Nam, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Tim Tâm Ðức: “Thông qua chương trình khám sàng lọc bệnh tim chúng tôi phát hiện nhiều bệnh nhân, nhất là trẻ em, mặc dù đã phát hiện bệnh song vì gia đình để kéo dài nên diễn biến bệnh trở nên phức tạp khiến việc điều trị trở nên khó khăn và chi phí tăng cao. Với những trường hợp trên 16 tuổi, việc vận động chi phí phẫu thuật sẽ khó hơn”.

Bà Hồng Cẩm Thuý, Phó phòng CTXH Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin: “Trường hợp của em Huỳnh Thị Thanh Mai hiện nay chúng tôi đang kêu gọi các mạnh thường quân để cùng chung tay giúp đỡ chi phí phẫu thuật. Tuy nhiên, số tiền để Mai chữa bệnh rất lớn, chúng tôi mong muốn thông qua các phương tiện truyền thông có thể chia sẻ thông tin này đến nhiều tấm lòng hảo tâm được biết để giúp em vượt qua bệnh tật, có được một cuộc sống bình thường như bao người”.

Trái tim là cơ quan quan trọng duy trì sự sống cho con người, ngày nay, với sự phát triển của y học, việc chữa lành những bệnh bẩm sinh liên quan đến tim không còn là vấn đề quá khó khăn. Nhưng vấn đề nằm ở công tác tuyên truyền, làm sao nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của căn bệnh tim bẩm sinh, để các bậc phụ huynh chủ động đưa con em mình đến các cơ sở y tế tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.


Mọi sự giúp đỡ cho trường hợp chị  Huỳnh Thị Thanh Mai xin liên hệ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, số điện thoại 0918617866 (gặp chị Hồng Cẩm Thuý) hoặc có thể liên hệ trực tiếp chị Huỳnh Thị Thanh Mai qua số điện thoại 0833335211.


 

Hữu Nghĩa

 

Nâng tầm y tế cơ sở

Thời gian qua, hệ thống y tế ở địa phương chủ động đầu tư, tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật quan trọng trong hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Việc đầu tư kỹ thuật mới không chỉ nâng tầm, tạo thương hiệu, uy tín cho đơn vị y tế mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí trong khám và điều trị bệnh.

Tận tâm với nghề y

24 năm gắn bó với nghề, Bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Ðặng, Trưởng trạm Y tế xã Khánh Thuận, huyện U Minh, làm việc bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình công tác, Bác sĩ Ðặng luôn hết mình vì người bệnh, tận tâm với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trị liệu nghệ thuật

Trị liệu nghệ thuật là phương pháp sử dụng nghệ thuật như công cụ hữu ích để bệnh nhân cải thiện về tinh thần, cảm xúc, được ứng dụng trong can thiệp phục hồi chức năng (PHCN). Bằng hình thức thực hiện các hoạt động như: vẽ tranh, tô màu, nặn đất sét, âm nhạc và nhảy múa, hay kể chuyện bằng hình ảnh..., trị liệu nghệ thuật được xem như cách chữa lành tâm lý, giúp bệnh nhân cải thiện khả năng điều khiển bàn tay và ngón tay, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sáng nay (9/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm ra quân kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Cà Mau.

Họp đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, sáng nay (8/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tổ chức họp triển khai công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Can thiệp sớm trẻ chậm nói

"Hiện nay, tình trạng trẻ chậm nói khá phổ biến, do bẩm sinh, hoặc môi trường xung quanh. Các dấu hiệu thường khó nhận diện, do phụ huynh chưa nắm rõ các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các bé được đưa đến đây khám chủ yếu bị rối loạn ngôn ngữ, khó giao tiếp bằng ngôn ngữ, hạn chế khả năng tiếp thu...", Bác sĩ Ninh Thị Minh Hải, Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin.

Ðồng hành can thiệp sớm trẻ có vấn đề phát triển

Ở nước ngoài, các gia đình có trẻ gặp vấn đề về phát triển rất quan tâm và nhiệt tình tham gia các nhóm hỗ trợ để thay đổi năng lượng của bản thân, muốn được cung cấp năng lượng tích cực cũng như những kiến thức hữu ích nhằm giúp trẻ nhỏ điều trị bệnh, hoà nhập với cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, với văn hoá Á Ðông như ở Việt Nam nói chung và các tỉnh xa xôi như Cà Mau nói riêng, vấn đề này khá nhạy cảm, khiến các bậc phụ huynh khó thể mở lòng chia sẻ. Nếu cha mẹ không vững vàng thì việc điều trị bệnh cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Tổ chức phi lợi nhuận "Sống cùng tự kỷ" đã kết hợp với Tổ chức phi lợi nhuận "Y học cộng đồng" tổ chức nhóm tương trợ phụ huynh, dành cho gia đình của trẻ có vấn đề về phát triển.

Hướng tới phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh

Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, vào chiều 3/1/2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, mặc dù bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tuy nhiên, trong năm 2024 kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng khả quan. Theo đó, tại tỉnh Cà Mau, tình hình cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm 2024 cũng được đảm bảo, nguồn hàng hoá dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng sốt giá.