(CMO) Sau hơn 4 năm thực hiện phương án chi trả chính sách trợ giúp xã hội thông qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh, ngành Bưu điện đã thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng hưởng trợ cấp năm 2017 là 37.194 đối tượng, đến cuối năm 2020 là 49.047 đối tượng, với kinh phí chi trả trên 225 tỷ đồng.
Thông tin trên được nêu tại Hội nghị đánh giá công tác chi trả chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội và triển khai các thông tin chi trả chính sách người có công qua hệ thống bưu điện, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức vào sáng ngày 30/3.
Đại biểu tham dự hội nghị.
Hiện 9/9 huyện, thành phố đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh để chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng thông qua hệ thống bưu điện đúng định kỳ, đúng đối tượng.
Sau hơn 4 năm thực hiện phương án chi trả chính sách trợ giúp xã hội thông qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh, ngành Bưu điện đã thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng hưởng trợ cấp năm 2017 là 37.194 đối tượng, đến cuối năm 2020 là 49.047 đối tượng, với kinh phí chi trả trên 225 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ngành Bưu điện tỉnh, công tác chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng đảm bảo an toàn về con người và tiền; việc chi trả tại các điểm đi vào nền nếp, chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ ngày một tốt hơn, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn như: Có trường hợp đối tượng hưởng chính sách trợ cấp xã hội đi khỏi địa phương, không liên lạc được, nhân viên bưu điện phải đi lại nhiều lần; số tiền trợ cấp ít, đối tượng hưởng có kinh tế ổn định thường gộp lại nhiều tháng mới đến nhận, nên thời gian chi trả kéo dài.
Ngành LĐ-TB&XH đánh giá, việc chi trả bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện góp phần giảm bớt công việc cho cán bộ LĐ-TB&XH, tạo được cơ chế giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực trong việc thực hiện các chế độ chính sách, đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển tiền từ Bưu điện đến nơi chi trả.
Về khó khăn, hạn chế, theo nhìn nhận của ngành LĐ-TB&XH, đó là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhân viên bưu điện và công chức phụ trách công tác bảo trợ các xã, phường, dẫn đến việc khó quản lý, giám sát xem đối tượng đã nhận được trợ cấp đúng thời gian quy định chưa; nhân viên bưu điện chỉ chi trả tiền, ít tiếp cận tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng; công tác báo giảm chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng Bưu điện và UBND xã báo giảm làm hồ sơ mai táng không trùng khớp ngày, tháng…
Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn trong công tác phối hợp giữa 2 đơn vị, hội nghị đi sâu bàn một số giải pháp sắp tới để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng thụ hưởng chính sách, cũng như sự phối hợp thêm nhịp nhàng, hiệu quả./.
Loan Phương