(CMO) Chương trình điện khí hoá nông thôn được triển khai thực hiện từ giữa những năm 1990, đến nay đã tạo nên nhiều kỳ tích. Tỷ lệ sử dụng điện nhiều nơi cơ bản đạt 100%, với hệ thống lưới điện phủ đều trên toàn địa bàn. Đời sống người dân phát triển, khoảng cách nông thôn và thành thị được rút ngắn.
Thế nhưng, hiện tại ở vùng nông thôn huyện Phú Tân, tình trạng sử dụng điện chia hơi vẫn còn diễn ra.
Nguy hiểm rình rập
Những tuyến điện chia hơi người dân tự kéo không an toàn tại ấp Sào Lưới Tây, xã Nguyễn Việt Khái. |
Tuyến dân cư Khai Long, thuộc ấp Sào Lưới Tây, xã Nguyễn Việt Khái, có chiều dài hơn 3 km. Toàn tuyến có 65 hộ dân sinh sống và 65 hộ này đều sử dụng điện chia hơi. Hình ảnh dễ bắt gặp từ đầu làng đến cuối xóm là những tuyến điện do người dân tự tạo. Cột điện bằng cây đước, dây điện giăng mắc lung tung. Điều đáng nói là do 2 đầu có đường điện đi qua, nhưng không có điện vào giữa nên những tuyến điện tự kéo này, người dân kéo về từ nhiều phía. Từ 1 hộ chia hơi cho cả chục hộ. Tuỳ vị trí của từng hộ mà có độ dài, ngắn khác nhau, tuyến dài nhất không dưới 1,5 km. Đường điện đi theo lộ bê-tông, theo bờ vuông tôm hoặc băng qua rừng và chỉ bằng 1 dây, người dân lấy dây nguội tại nhà. Biết là không an toàn, nhưng nhu cầu về điện buộc người dân phải làm liều.
Ông Nguyễn Văn Sáng, ấp Sào Lưới Tây, tâm sự: "Ở đây chia hơi từ nhiều hướng kéo về, do ở giữa không có điện nhưng 4 bên đều có điện để chia hơi. Làm thì cặm cột bằng đước, 2, 3 tháng phải thay cây, nếu không cột gãy nguy hiểm lắm, nhất là vào mùa mưa hay ban đêm".
Đã có 3 trường hợp tai nạn điện xảy ra ở đây liên quan đến việc kéo điện chia hơi không an toàn. Ông Sáng ngậm ngùi: "3 trường hợp điện giật do đốn cây trúng vào dây điện, đấu nối không an toàn. 2 người chết, 1 người được cứu sống".
Chi phí quá cao
Những khó khăn, kể cả nguy hiểm luôn đặt ra đối với việc sử dụng điện chia hơi. Do chia hơi từ 1 hộ cho cả chục hộ sử dụng, chi phí phát sinh điện rất cao do điện bậc thang của một hộ đại diện. Theo đó, người chia hơi phải bao luôn tiền điện cho chủ đồng hồ. Ông Phan Oanh Liệt, ấp Sào Lưới Tây, cho biết: "Sau khi tính toán và chia ra, mỗi hộ hàng tháng phải trả từ 7.000-10.000 đồng cho 1 kW điện. Biết là rất cao nhưng đành chịu".
Theo đó, cũng do chia hơi nên điện rất yếu chỉ sử dụng để thắp sáng. Các thiết bị nặng điện như nồi cơm, tủ lạnh, ti-vi... nguồn điện không đáp ứng được nên hầu như dân cư ở đây không nhà nào trang bị các thiết bị này. Lúc đầu nhiều người mua nhưng không sử dụng được đem cất cũng hư. Còn chuyện phục vụ sản xuất là không tưởng.
Từ điện yếu kéo theo mức sinh hoạt người dân chưa cao, nhất là việc tiếp cận thông tin, nhưng chi phí bỏ ra cao. Ông Lý Quốc Kháng, ấp Sào Lưới Tây, trong nhà chỉ sử dụng duy nhất 1 bóng đèn 2U loại 20W, không thể dùng thêm các thiết bị điện khác nhưng có tháng trả từ 100.000-150.000 đồng tiền điện.
Theo thông tin từ lãnh đạo xã Nguyễn Việt Khái, trên địa bàn xã còn 22 tuyến dân cư chưa có điện, người dân phải chia hơi theo tình trạng như vậy. Trong đó, tuyến Khai Long dài nhất, còn lại các tuyến nhỏ như Pháp Chế, Sào Lưới Tây, tuyến Cơi 6... với tổng số 386 hộ chia hơi, chiếm 12% so tổng số hộ dân trên địa bàn và 1/3 tổng số hộ chia hơi trong toàn huyện.
Hiện nay, huyện Phú Tân có 944 hộ chia hơi, chiếm gần 3,8% so tổng số hộ trong huyện. Trong đó, có 367 hộ chia hơi cục bộ riêng lẻ, tương đối an toàn; 577 hộ chia hơi theo từng nhóm, từng tuyến, không đảm bảo an toàn./.
Quốc Hiệp