Thời gian gần đây, trào lưu hút shisha rất thịnh hành trong giới trẻ. Nhiều người cho rằng, hút shisha không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, shisha độc hại hơn thuốc lá.
Thời gian gần đây, trào lưu hút shisha rất thịnh hành trong giới trẻ. Nhiều người cho rằng, hút shisha không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, shisha độc hại hơn thuốc lá.
Theo các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thành phần của shisha, còn gọi là thuốc lào Ả Rập rất đa dạng và không có chuẩn mực. Có loại chỉ gồm thuốc lá thô và mật đường lên men, có loại ngoài mật ong, thảo dược còn được pha trộn thêm hương liệu tạo các hương vị như táo, cam, dâu. Thậm chí, shisha còn bị pha trộn với các chất gây nghiện khác. Shisha được hút thông qua chiếc bình lọc nước giống như điếu bình và thường được hút tập thể. Lúc trước shisha giá khá cao, nhưng hiện nay giá chỉ trên dưới 200.000 đồng/bình.
Tại Cà Mau, shisha mới được sử dụng vài năm trở lại đây, thường được bán thông qua mạng internet và tại các quán bar, karaoke. Theo tìm hiểu, các bạn trẻ sau khi mua shisha thường tập trung tại nhà và hút tập thể như một cách thể hiện đẳng cấp. Nhiều người tưởng rằng, khi hút shisha, một phần nicotine cũng như các chất gây hại được giữ lại trong nước. Nhưng để đạt được ngưỡng nicotine của mình, khi hút họ sẽ tự động hít sâu hơn, nhiều hơn, vì vậy, không chỉ nicotine mà tất cả các thành phần độc hại khác trong sản phẩm này sẽ đi sâu vào phổi với số lượng lớn và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Bài, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ, cho biết, tác hại của shisha hoàn toàn giống với thuốc lá, thuốc lào. Một lượt hút shisha kéo dài 1 giờ, 1 người có thể sẽ hít nhiều gấp 100-200 lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút 1 điếu thuốc lá. Ðặc biệt, lượng nicotine vào trong cơ thể do hút shisha còn cao hơn thuốc lá đến 75%. Trong shisha có rất nhiều chất độc hại, đặc biệt là nitơoxit và cacbonmonoxit, cả 2 đều là hơi độc. Khi hít các loại chất này, nguy cơ ung thư phổi, lao phổi, các bệnh về tim mạch rất lớn vì đây là các cơ quan tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc. Ngoài ra, bình nước trong shisha còn là nơi chứa rất nhiều vi trùng có thể gây bệnh, nhất là bệnh lao và viêm gan. Bình chứa shisha làm bằng nhựa, không thể biết nó là nhựa gì và chứa chất độc hại gì.
Mặt khác, việc lạm dụng các chất kích thích, ma tuý trong khi hút shisha rất dễ gây nên những hậu quả nguy hiểm tới tính mạng. Nếu sử dụng cùng lúc với rượu, người hút dễ bị sốc, dẫn tới truỵ tim, suy hô hấp..., nhất là những người đang có thể trạng ốm yếu. Khi hút shisha chung với ma tuý sẽ dẫn tới gây nghiện, từ nghiện nhẹ sẽ dẫn tới nghiện nặng, đòi hỏi cơ thể phải sử dụng các loại ma tuý tổng hợp gây ảo giác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh. Ngoài ra, khi hút shisha quá liều sẽ tạo cho người hút cảm giác đê mê, gây ảo giác, mất kiểm soát bản thân, từ đó có thể gây ra nhiều chuyện khó lường.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Bài, tác hại của thuốc lá như thế nào thì ai cũng biết, trong khi shisha còn độc hại hơn nhiều, không những gây tổn hại sức khoẻ cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vì vậy, mọi người, đặc biệt là giới trẻ, nếu chưa hút shisha thì tốt nhất không nên thử, vì khi thử rồi sẽ dẫn đến nghiện lúc nào không hay. Những người đang sử dụng thì nên tránh xa ngay, đừng vì thể hiện phong cách mà rước bệnh vào người.
Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh loại hình hút shisha, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng shisha để sử dụng ma tuý. Nếu các cơ sở không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
Quách Nguyên