(CMO) Đó là tinh thần chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau đối với sở, ngành tại buổi làm việc cùng đoàn cán bộ y tế Bệnh viện Chợ Rẫy đến hỗ trợ trong công tác thu dung, điều trị Covid-19, vào ngày 18/10.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau cám ơn sự hỗ trợ của đoàn cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Qua 2 ngày khảo sát thực tế khả năng thu dung, điều trị của tỉnh tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện 2 huyện: Phú Tân và Ngọc Hiển, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng đoàn cán bộ y tế Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá, thời gian qua, Cà Mau đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh Covid-19, nhất là việc lây nhiễm trong cộng đồng rất thấp. Tuy nhiên, gần đây, Cà Mau cũng như một số tỉnh thành khác, số lượng người dân vùng dịch về gia tăng đột biến, theo đó, F0 tăng nhanh. Hiện tỉnh đang thiếu lượng lớn máy thở oxy dòng cao, cần phương án dự trữ những trang thiết bị này. Về cơ số thuốc, tỉnh nên đề nghị Bộ Y tế cung cấp thuốc điều trị kháng virút mà đã áp dụng rất tốt ở TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, bổ sung thuốc kháng đông trong điều trị Covid; Đồ bảo hộ và khẩu trang trang bị cho nhân viên y tế cần trang bị đạt chuẩn.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy nêu một số hạn chế về nhân lực, vật lực trong công tác thu dung điều trị của Cà Mau. |
Theo dự thảo các phương án Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về cấp độ áp dụng, tỷ lệ tiêm chủng của Cà Mau thấp, nên tính theo cấp độ dịch phải tăng 1 cấp độ so với thực tế, tức là tối thiểu cấp độ 2. Theo đó, kịch bản ứng phó phải từ thấp đến trung bình.
Hiện, toàn tỉnh có 14 bệnh viện có khả năng thu dung điều trị cho khoảng 1.990 bệnh nhân F0. Về phân tầng điều trị của các bệnh viện, thực tế khảo sát, chỉ có 110 giường để đáp ứng tiêu chuẩn tầng 3 dựa vào cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy, hệ thống khí nén. Còn ở tầng 2, hiện hệ thống oxy của các bệnh viện huyện chưa có, chỉ sử dụng hệ thống oxy bình, oxy rời đối phó với bệnh nhân suy hô hấp. Nhưng theo tiêu chuẩn Bộ Y tế, các bệnh viện huyện, ngoài chuẩn bị điều kiện đáp ứng tầng 2, bắt buộc phải có hệ thống oxy trung tâm mà đặc biệt là hệ thống oxy lỏng. “Như vậy, về mặt xây dựng kịch bản theo mức độ dịch trên 1,2 triệu dân số, thì chuẩn bị số giường ở tầng 2 và tầng 3 bắt buộc phải nâng lên”, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh đề xuất.
Bác sĩ Trần Thanh Linh đề xuất thêm: "Cần triển khai nhanh khu thu dung tại bệnh viện dã chiến số 3 (bệnh viện lao phổi), trong đó phải chú ý đến vấn đề xử lý chất thải rắn, lỏng. Hiện tại, hệ thống khối chất thải lỏng dự trù không thể đủ sức chứa để xử lý khi mở rộng 450 giường; cần phân luồng, tạo lối đi hạn chế lây nhiễn cho nhân viên y tế; Đề nghị nâng cấp hệ thống oxy các bệnh viện điều trị của tầng 2".
Nâng tỷ lệ người dân được tiêm vắcxin là một trong những vấn đề được đoàn y tế Bệnh viện chợ Rẫy đề cập tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau. |
Ghi nhận những ý kiến đánh giá, đóng góp của đoàn y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải mong muốn, đoàn sẽ tập huấn cho tất cả đội ngũ nhân viên y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, bởi đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng trong tỉnh còn lúng túng. Tỉnh sẽ huy động cả đội ngũ sinh viên trường Cao đẳng Y tế, bác sĩ bệnh viện tư nhân, bác sĩ đã nghỉ hưu. Tất cả phải trong tư thế sẵn sàng, tự tin để bước vào trận mới.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, Sở Y tế xây dựng lại ngay kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch có cả phòng, trị theo từng cấp độ khác nhau, từng khâu từng tầng, tất cả phải cụ thể về nơi điều trị, huy động nhân lực, máy móc cho từng kịch bản. Trong các kịch bản lưu ý hệ thống y tế ở xã phường, trong điều kiện cách ly ở nhà nhiều F0 phải linh động, có chế độ trực rõ ràng, xây dựng đội y tế lưu động. Mua ngay những túi thuốc cấp cứu, túi thuốc gia đình trang bị ở cơ sở, khi dân gọi thì đến ngay. “Những vấn đề này cần làm ngay. Việc nào đã có rồi cần củng cố lại. Tất cả các khâu phải chủ động chuẩn bị, kể cả khâu cuối cùng”, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh.
Các sở, ngành, các địa phương phải tính đến kịch bản cuối tháng 10 cho học sinh đi học, trả dần các trường học, tính toán lại cơ sở vật chất, kể cả việc lây nhiễm để có giải pháp ứng phó. Rà soát các đầu mối cung cấp trang thiết bị ngay. Căn cứ theo đó bố trí máy móc, thuốc điều trị tương ứng. Tính toán việc lắp đặt bồn oxy, nâng cấp hệ thống oxy cho các bệnh viện./.
Hồng Nhung