(CMO) Chỉ trong thời gian ngắn, hạ tầng giao thông đã mang lại nguồn sinh lực dồi dào và làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Ngọc Hiển. Từ khi xoá thế ốc đảo, Ngọc Hiển đang băng băng về phía trước với những kỳ vọng và niềm tin vững chắc. Chủ tịch UBND huyện Lý Hoàng Tiến cho biết: “Đầu năm 2018, địa phương đón nhận niềm vui lớn khi Tân Ân Tây - xã đầu tiên của huyện cực Nam được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM)”.
Với bà con ở Xóm Lò (cách mà người địa phương hay gọi xã Tân Ân Tây), niềm vui ấy cứ nhân lên mãi, bởi không ai có thể nghĩ rằng, một xứ sở trũng lầy, ngập mặn, còn lắm khó khăn ngày nào giờ đã là xã NTM.
Không chỉ là danh hiệu
Trên đường thiên lý Bắc - Nam, Tân Ân Tây là cửa ngõ quan trọng của Ngọc Hiển. Cách đây chưa lâu, giao thông của Xóm Lò vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống sông rạch chằng chịt.
Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây Lê Minh Thuỳ thông tin: “Vùng này hạ tầng hồi trước gần như không có gì”. Tài sản của xã khi bắt đầu hành trình xây dựng NTM là 4/19 tiêu chí, 3/70 km lộ và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở ngưỡng 2 con số. Chưa kể tập tục sinh hoạt, làm ăn của bà con đã duy trì từ đời này sang đời khác, rất khó thay đổi. Một suất đầu tư hạ tầng ở đây cũng gấp rưỡi, gấp đôi nơi khác, cho nên khó khăn lại nhân lên gấp bội. Anh Thuỳ bộc bạch: “Biết là nhiều thách thức, nhưng mình không làm, không quyết tâm, không kiên trì thì sẽ mãi mãi lạc hậu”.
Giao thông nông thôn - nét chấm phá của Tân Ân Tây trong hành trình xây dựng nông thôn mới. |
Theo lời anh Thuỳ, xã đã “lỡ hẹn” năm 2015, 2016 và đến năm 2017 mới về đích. Mới thấy rằng, thành quả đạt được là hết sức đáng trân trọng bởi đã kinh qua biết bao thử thách.
Chìa khoá để Tân Ân Tây tháo gỡ vướng mắc bắt đầu từ một nhận thức đơn giản nhưng đúng đắn của đảng bộ, chính quyền địa phương: “Thành bại tại Nhân dân”. Với sự vào cuộc đồng bộ, tâm huyết, sâu sát và quyết liệt, toàn hệ thống chính trị Tân Ân Tây đã làm chuyển biến toàn diện về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân về NTM. NTM không đơn giản là danh hiệu, mà đó là ước mơ, là khát vọng, là cuộc sống mới mà bao đời qua ông cha ta nung nấu.
4/4 trường học của xã Tân Ân Tây đều đạt chuẩn quốc gia. (Trong ảnh: Giờ tan học của học sinh trường THCS Tân Ân Tây). |
Anh Thuỳ kể lại: “Nhiều lúc ngồi trò chuyện với những bậc cao niên, có người nói trong sung sướng là không thể tưởng tượng xã mình đã đạt chuẩn NTM. Ai mà dè xứ Xóm Lò có lộ nhựa xe chạy bon bon, điện sáng khắp xóm”.
Với Tân Ân Tây, quá trình xây dựng các tiêu chí vướng phải một vấn đề khá hóc búa, đó là tập quán, lối sống, sinh hoạt của người dân vùng sông rạch. Từ việc xử lý rác sinh hoạt, đến những công trình phụ phục vụ vệ sinh, rồi môi trường sống, để thay đổi không hề đơn giản.
Theo anh Thuỳ: “Có hạ tầng, có đủ thứ hết, nhưng con người không mới, không tiến bộ thì cũng đâu có được NTM. Cái cốt yếu là phải có được người nông thôn mới”. 19 tiêu chí, với Tân Ân Tây là muôn nẻo khó khăn. Địa phương đã bền bĩ, kiên trì, nhẫn nại để từng bước về đến đích.
Niềm tin nhân đôi
NTM là cuộc sống mới. Những cư dân Tân Ân Tây cảm nhận rõ hơn ai hết điều này. Anh Trần Minh Vương, cán bộ phụ trách xây dựng NTM của xã, tâm sự: “Cái gì cũng vậy, được bà con ủng hộ thì mình làm có hiệu quả thôi. Bây giờ bà con tin tưởng vào chính quyền, vào sự phát triển trong tương lai dữ lắm”.
Bánh phồng tôm Kim Tiền làm thủ công nhưng chất lượng được cả thực khách trong và ngoài nước hài lòng. |
Hợp tác xã Tân Phát Lợi với các mặt hàng nức tiếng xa gần, mô hình HTX kiểu mới đã mang lại doanh thu ổn định cho các thành viên. |
Kinh tế Tân Ân Tây và mặt bằng đời sống người dân đã cho thấy một sự bứt phá ngoạn mục. Chỉ cần lướt qua đất này, người ta thấy cả một vùng nguyên liệu tôm sinh thái bạt ngàn, tập đoàn Việt - Úc với quy mô sản xuất tôm giống đồ sộ, khu vực nuôi tôm siêu thâm canh hiện đại, 4 hợp tác xã kiểu mới hoạt động rộn ràng và hàng chục tổ hợp tác làm ăn hiệu quả… Đó là chưa kể những làng nghề, những mặt hàng truyền thống của địa phương đã có mặt trên khắp đất nước và cả thế giới.
Tạt qua ấp Tân Trung, ghé thăm điểm dừng chân của anh Nguyễn Út Nhỏ, một cách làm du lịch kiểu “ngẫu hứng miệt vườn” nhưng đầy phong vị của biển và rừng xứ Mũi. Anh chia sẻ: “Mình chủ yếu là tận dụng sản vật của gia đình, phục vụ theo cung cách dân dã vậy thôi, nhưng nhiều người thích lắm”.
Anh Út phân tích rằng, làm du lịch miệt này mà xây dựng bê-tông rầm rộ, cái gì cũng học theo thành thị thì… khó ăn lắm. Mà cũng trúng, anh nói, về xứ này là phải đi xuồng trên sông, vô rừng đước bắt ốc len, xổ đụt bắt tôm, nấu đồ ăn trên than đước mới đúng điệu.
Anh Út cũng thú thiệt, mình làm quy mô nhỏ, ai biết thì tới, cũng không bận tâm lắm tới việc quảng bá ồn ào, nhưng phục vụ phải chất lượng và chu đáo. Mười mấy héc-ta đất rừng - tôm, cộng với những đoàn khách đến với gia đình, anh Út sống khoẻ ru. Hỏi anh, NTM rồi, có tính toán gì không, anh cười: “Thì phải làm ăn tấn tới hơn, giới thiệu cho người ta biết về xứ này nhiều hơn”.
Điểm nhấn nổi bật của Tân Ân Tây hiện nay và trong tương lai chính là việc làm sống dậy những làng nghề, đặc sản truyền thống nức tiếng. HTX Tân Phát Lợi, ấp Tân Lập đã trở thành thương hiệu uy tín xa gần của địa phương. Cho tới thời điểm hiện tại, HTX đã sản xuất 9 loại mặt hàng phục vụ thị trường và đều là những mặt hàng truyền thống, đặc trưng và nhận được phản hồi tích cực.
Chị Trương Thị Tám, thành viên HTX, cho biết: “Các sản phẩm của HTX được xuất đi các hệ thống siêu thị uy tín trong cả nước, có cả khách nước ngoài tìm đến đặt hàng”.
HTX không chỉ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà còn mang danh tiếng xứ sở đi khắp chốn. Con tôm khô, ba khía muối, bánh phồng tôm… của Tân Ân Tây đã để thương, để nhớ cho khách phương xa và làm thay đổi cuộc sống của biết bao nhiêu hộ gia đình địa phương trước đây khó khăn, túng thiếu.
Câu chuyện về chặng đường vượt nghèo của chị Phan Thị Chuyển, ấp Ông Quyền, có lẽ là tiêu biểu nhất cho sự đổi thay của người dân xứ này. Có chồng, ra riêng mà không tài sản, đất đai, vợ chồng chị bắt đầu với những hũ mắm cá sơn, cá đối và mắm tôm tự làm để buôn bán. Không ngờ, những sản phẩm ấy đã "phải lòng" những thực khách khó tính nhất, chẳng bao lâu sau, cơ sở Ngọc Chuyển đã là thương hiệu có danh tiếng và uy tín. Giờ đây, cơ ngơi của chị Chuyển là ước mơ của nhiều người. Chị Chuyển biết ơn đoàn thể, chính quyền và cả những người dân Tân Ân Tây đã cưu mang, ủng hộ chị trong những lúc thắt ngặt nhất. Nông thôn mới phải chăng còn là sự nối dài của niềm tin, hy vọng và của những tình cảm xóm giềng thuỷ chung sau trước.
Huyện Ngọc Hiển - huyện tận cực Nam Tổ quốc đã có xã NTM đầu tiên. Còn với người dân Tân Ân Tây, cuộc sống mới đang về trọn vẹn niềm tin./.
Phạm Hải Nguyên