Là huyện ven biển, địa bàn rộng, di dân tự do nhiều, đặc biệt là dân nghèo từ các nơi khác đến gây biến động thường xuyên việc phát triển kinh tế - xã hội của Ngọc Hiển. Sạt lở đất ở các cửa sông, ven biển nhiều ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến làm ảnh hưởng đến khâu quy hoạch của địa phương.
(CMO-PTĐ) Là huyện ven biển, địa bàn rộng, di dân tự do nhiều, đặc biệt là dân nghèo từ các nơi khác đến gây biến động thường xuyên việc phát triển kinh tế - xã hội của Ngọc Hiển. Sạt lở đất ở các cửa sông, ven biển nhiều ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến làm ảnh hưởng đến khâu quy hoạch của địa phương.
Đầu tư đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn, trong 554 phương tiện đánh bắt thì có gần 50% phương tiện có công suất nhỏ, khai thác kém hiệu quả đang có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề khác. Tuy nhiên, ngư dân không vốn đối ứng theo Nghị quyết 67 của Chính phủ quy định.
Ngoài ra, việc quy hoạch và phát triển mạng lưới giao thông nhiều vướng mắc do nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Việc giải phóng mặt bằng tuyến đường Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành nhưng vẫn còn vướng một vài hộ chưa chấp nhận bồi hoàn và vẫn còn kiến nghị cấp cao hơn.
Trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh ngày 18/3 về công tác thực hiện chính sách, pháp luật, an ninh quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, lãnh đạo huyện Ngọc Hiển đề xuất, trong phân bổ định mức cho lực lượng quốc phòng - an ninh vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp và cần điều chỉnh do tình hình thực tế có nhiều phát sinh. Việc phân chia kinh phí giữa các xã có biển còn nhiều bất hợp lý nên huyện kiến nghị các sở, ngành cấp tỉnh giao cho địa phương quản lý nguồn chi này. Đề nghị tăng nguồn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn cũng như giáo dục vì thực tế thời gian qua địa phương là vùng trũng ở 2 lĩnh vực này./.