(CMO) Sáng 30/8, Sở NN&PTNN phối hợp VNPT Cà Mau, Viettel Cà Mau và Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm tổ chức tuyên truyền việc bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát tàu các trên địa bàn huyện Phú Tân.
Huyện Phú Tân chỉ có 50 tàu cá bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Thiết bị giám sát hành trình là thiết bị dùng để theo dõi, giám sát vị trí tàu và lưu dấu đoạn đường đi của tàu cá. Các thông tin vị trí tàu cá, tốc độ di chuyển, đường đi, hướng đi, cảnh báo… được truyền từ thiết bị lắp trên tàu về máy chủ đặt tại bờ thông qua hệ thống vệ tinh, cũng như chủ tàu sẽ được theo dõi vị trí tàu của mình bằng smartphone hoặc máy tính có kết nối Internet. Hiện các loại thiết bị giám sát hành trình đã được phép sử dụng tại Cà Mau được cung cấp bởi Viettel, VNPT, Zunibal, Movimar.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, lộ trình lắp đặt thiết bị cho tàu cá có chiều dài 15 m (90CV) trở lên trên địa bàn tỉnh chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 hoàn thành trước ngày 15/9/2018 đối với nhóm tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài được chuộc về, thả về, chấp hành xong được thả về và hiện đang hoạt động khai thác hải sản; nhóm tàu cá chưa vi phạm vùng biển nước ngoài mà thuộc quyền chủ sở hữu của chủ tàu đã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; nhóm tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định số 67/2014/NĐ–CP. Giai đoạn 2 hoàn thành trước tháng 12/2018 đối với số tàu còn lại.
Huyện Phú Tân có bờ biển dài 37km với 6 cửa biển lớn nhỏ. Toàn huyện hiện có 525 phương tiện khai thác thủy sản (có hơn 124 chiếc công suất dưới 20 CV). Theo kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên biển, huyện Phú Tân có 50 chiếc phải lắp đặt. Trong đó có 3 chiếc thuộc giai đoạn 1 (thuộc nhóm tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ–CP), còn lại là giai đoạn 2.
Theo ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản Cà Mau, thời gian vừa qua, tỉnh Cà Mau đã lắp đặt thí điểm 30 tàu tại Khánh Hội (huyện U Minh) và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời). Dựa trên kết quả thí điểm, kế hoạch lắp đặt thiết bị được thực hiện toàn tỉnh nhằm quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản. Ngoài ra, còn hỗ trợ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ về ý thức chấp hành pháp luật trong việc khai thác thủy sản.
Kim Chi