(CMO) Một cái chợ rất đặc biệt nằm trong lòng TP. Cà Mau. Gọi là chợ nhưng thật ra chỉ là điểm tập trung của một nhóm người, chủ yếu là dân làm thuê. Thứ hàng hoá duy nhất ở đây chính là sức lao động. Và theo năm tháng, với sự phát triển của máy móc công nghệ, “chợ lao động” đang dần bị mai một.
Nằm ngay góc đường 1 tháng 5, cạnh bờ hồ Phường 5, TP. Cà Mau, “chợ lao động” đã hình thành từ hơn 20 năm trước. Ban đầu chỉ một vài người vì hoàn cảnh khó khăn phải rời quê các tỉnh phía Bắc vào tận Cà Mau mưu sinh. Xa quê, không nghề nghiệp, họ gặp nhau, tập hợp tại địa điểm này để "bán" sức lao động kiếm sống.
Nặng nhọc, thu nhập bấp bênh
Dần dà theo năm tháng, nơi đây thu hút ngày càng đông lao động hơn. Có thời điểm đông ken, địa điểm này có trên 20 người. Phương tiện là những chiếc xe kéo, xe lôi đạp để vận chuyển hàng thuê. Và đó cũng chính là "cần câu cơm" duy nhất của đội ngũ lao động nghèo tập trung tại đây.
Để tránh việc vi phạm luật, ông Lan phải sử dụng xe đạp để lôi xe kéo vận chuyển hàng hoá cho khách. |
Địa điểm này dần quen thuộc đối với người dân nội ô mỗi khi cần tìm kiếm lao động chân tay. Tại khu chợ đặc biệt này, người dân làm đủ nghề như: bốc vác, chở hàng thuê, phụ hồ… Công việc tất bật, vất vả là vậy nhưng tiền kiếm được chẳng là bao.
Nếu như ngày trước, chuyện vận chuyển hàng hoá bằng những chiếc xe máy kéo xe kéo phía sau là chuyện rất bình thường trên các tuyến phố, bây giờ là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thế nên, “chợ lao động” giờ vắng hơn hẳn, người đủ khả năng thì chuyển qua đầu tư xe tải để vận chuyển, người thì bỏ luôn khu chợ chuyển sang làm nghề khác. Một số ít vẫn duy trì, nhưng công việc ít lại, chỉ lén hoạt động khi không có lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát.
Công việc khó khăn, nhiều người không còn mặn mà với khu chợ, khoá xe bỏ lại tìm công việc khác. |
Không được sử dụng xe máy lôi theo xe kéo vận chuyển hàng, nhiều người đã chuyển sang chở thuê bằng xe tải. |
Ông Nguyễn Văn Lan, 55 tuổi, quê ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, là người có thâm niên trên 20 năm làm tại khu chợ này, cho biết: “Cuộc sống ngoài quê khó khăn quá, biển thì mất mùa, ruộng đất chẳng có bao nhiêu, mỗi người chỉ được hơn 1 sào đất làm sao đủ sống. Việc làm không có nên mới trôi dạt vào đây. Ngày trước làm dễ hơn bây giờ, có ngày kiếm được 300.000-400.000 đồng, còn bây giờ hầu như mọi người chỉ kêu xe tải thôi. Trừ những hẻm nhỏ hẹp, xe tải vào không được mới tới lượt cánh xe kéo chúng tôi, nhưng chạy xe máy kéo trên đường dễ bị bắt lắm”.
Vất vả mưu sinh
Gương mặt hồ hởi khi vừa vận chuyển xong chuyến hàng, ông Nguyễn Viết Lân, 71 tuổi, đồng hương với ông Lan, chia sẻ: “Ngót nghét hơn 10 năm sống bằng nghề này, giờ lớn tuổi rồi nhưng không có việc gì làm nên cố gắng bám để kiếm sống qua ngày. Như sáng giờ mới làm được một cuốc, chở cái tủ lạnh 50.000 đồng. Hôm nào thuận lợi có thể kiếm được hơn 100.000, nhưng cũng có khi từ sáng đến tối chẳng kiếm được đồng nào. Hai vợ chồng già, vợ bán vé số cũng được đồng ra đồng vào, ở nhà thuê tháng hết 800.000 đồng, phải tiết kiệm lắm mới đủ trang trải”.
Những lúc rảnh rỗi. |
Khu vực “chợ lao động” bây giờ vắng hơn xưa nhiều. Xe kéo thưa thớt dần, thay vào đó là những chiếc xe tải to đùng nằm cạnh vỉa hè chờ những chuyến ăn hàng. Đây là những công việc của cánh tài xế trẻ chạy thuê cho chủ. Những người như ông Lan, ông Lân dần chuyển sang nghề thu mua phế liệu. Chỉ những lúc rảnh rỗi các ông mới quay lại điểm chợ để tìm vài chuyến hàng may mắn được xe tải "bỏ lại".
Những chiếc xe kéo nằm im ỉm cùng những chiếc khoá gỉ sét ngay trên vỉa hè là những gì còn sót lại của một khu chợ thật đặc biệt nằm giữa lòng thành phố./.
Lê Chí