(CMO) Học tập lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học; giúp người học có hiểu biết sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần củng cố niềm tin, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Người khẳng định: “Học tập là công việc suốt đời”, vì vậy, mỗi người cán bộ, đảng viên cần phải học tập lý luận chính trị một cách hăng say, bền bỉ, liên tục. Thấm nhuần lời Bác dạy, cho đến nay nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng đã tích cực, chủ động học tập về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực công tác, từ đó góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Tuy nhiên, hiện nay còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện sao nhãng, coi thường, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị. Vì vậy, việc nhận diện biểu hiện của bệnh lười học lý luận chính trị và đề ra những giải pháp cơ bản để khắc phục căn bệnh trên là nhiệm vụ cần thiết của các cấp uỷ đảng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII của Đảng đã chỉ ra những biểu hiện chính của bệnh lười học tập lý luận chính trị là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(1). Khái quát lại, bệnh lười học lý luận chính trị có những biểu hiện cụ thể như:
Không chịu học tập lý luận chính trị: Một số cán bộ, đảng viên cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ việc học tập lý luận chính trị là gây lãng phí thời gian, không cần thiết, do đó, có cán bộ, đảng viên không đăng ký với cơ quan, đơn vị để tham gia học tập lý luận chính trị, hoặc viện lý do để “trì hoãn” khi được phân công đi học tập.
Coi thường, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị. Cho rằng cán bộ, đảng viên chỉ cần có trình độ chuyên môn là đủ; xác định việc học lý luận chính trị chỉ nhằm đảm bảo đủ về tiêu chuẩn bằng cấp chứ không phải học để nghiên cứu, nắm vững về lý luận chính trị để phục vụ yêu cầu công tác.
Thái độ thiếu nghiêm túc khi tham gia các lớp bồi dưỡng, học tập về lý luận chính trị: cán bộ, đảng viên tham gia các lớp học lý luận chính trị có biểu hiện “đánh trống ghi tên”, học chiếu lệ, hình thức, ít quan tâm đến nội dung các chuyên đề bài giảng; thậm chí có cán bộ, đảng viên làm việc riêng, làm việc chuyên môn trong thời gian giảng viên, báo cáo viên truyền đạt kiến thức về lý luận chính trị.
Học lý luận chính trị không gắn với thực tiễn công tác. Một số cán bộ, đảng viên không chịu nghiên cứu, vận dụng những kiến thức đã được học về lý luận chính trị gắn với giải quyết công việc ở cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách, từ đó dẫn đến tình trạng lý luận xa rời thực tiễn, lý luận không áp dụng vào thực tiễn được.
Giờ thảo luận trên lớp Quản lý Nhà nước ngạch cán sự tại Trường Chính trị tỉnh Cà Mau. |
Học tập lý luận chính trị một cách thụ động. Lười suy nghĩ, không chịu nghiên cứu tiếp thu những kiến thức mới về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình học tập không tích cực, thậm chí không chịu trao đổi, chia sẻ với giảng viên, báo cáo viên về những nội dung liên quan đến lý luận chính trị.
Lười học tập lý luận chính trị sẽ gây ra tác hại lớn đối với việc tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống và kết quả công tác của mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: Do kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông là nguyên nhân dẫn đến bệnh chủ quan của cán bộ, đảng viên. Do đó, khi giải quyết công việc chỉ dựa vào ý chí chủ quan của bản thân, không căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, khách quan để giải quyết công việc cho “khéo” và kết quả là công việc dễ thất bại. Lười học tập lý luận chính trị sẽ làm cho cán bộ, đảng viên không nắm vững về đường lối, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, từ đó có thể dẫn đến những vi phạm của cán bộ, đảng viên (đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên) trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, dẫn đến việc vận dụng một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương, đơn vị. Lười học tập lý luận chính trị còn làm cho cán bộ, đảng viên không nắm vững, hiểu sâu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó cán bộ, đảng viên sẽ không có bản lĩnh vững vàng, không có sức “đề kháng” trước sự lôi kéo, chống phá, xuyên tạc về bản chất, mục tiêu, lý tưởng của Đảng của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước.
Việc lười học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên tiềm ẩn nguy cơ, hiểm hoạ đối với sự lãnh đạo của Đảng và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để khắc phục căn bệnh trên, các cấp uỷ đảng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhận thức đúng ý nghĩa, vai trò của việc học tập lý luận chính trị, xác định học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ bắt buộc trong tu dưỡng, rèn luyện nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác của bản thân và đó là công việc tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Chương trình, nội dung giáo dục lý luận chính trị tiếp tục được đổi mới theo hướng lý luận phải gắn với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của cán bộ, đảng viên, tăng lượng kiến thức về các kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra cho từng ngành, lĩnh vực. Chương trình học tập lý luận chính trị phải thường xuyên cập nhật, bổ sung những kiến thức mới của thời đại. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên không ngừng đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, thực sự mẫu mực, tiêu biểu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng đội ngũ giảng viên có kiến thức lý luận chính trị sâu sắc, kiến thức thực tiễn phong phú, sâu rộng.
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức các lớp học. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thường xuyên biểu dương những đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm việc học tập lý luận chính trị, mặt khác cần góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, thiếu nghiêm túc trong học tập. Tổ chức đảng cần xây dựng tiêu chí lấy kết quả việc học tập lý luận chính trị là một trong những nội dung để đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm; cấp uỷ các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên./.
Phạm Kim Hửng
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.28.