(CMO) Trên đầu nắng nóng như “lửa đốt”, dưới chân nước mặn như “muối”, địa hình và thời tiết khắc nghiệt là thế, nhưng những người làm công tác bảo vệ đê điều vẫn ngày đêm triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục sụp lún và sạt lở, đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển Tây trước mùa mưa bão đến. Bảo vệ đê biển Tây chính là bảo vệ an toàn cho sản xuất và hơn 30.000 hộ dân bên trong vùng ngọt hoá.
Đê biển Tây đoạn từ Kênh Mới đến vàm Đá Bạc sụp lún nghiêm trọng gần 4 km; trong đó có đoạn sụp lún hoàn toàn thân đê dài khoảng 240 m, sâu trên 3 m, mái đê còn lại mỏng như bờ “cơm nếp”. Sóng biển bên ngoài cuồn cuộn ập vào thân đê mỗi khi thuỷ triều dâng cao, nguy cơ gây vỡ đê rất cao. Trong khi đó, đoạn kế tiếp đang có dấu hiệu sụp lún dài khoảng 4 km. Nguyên nhân được cho là tuyến kênh bên trong chân đê khô cạn do hạn hán, dẫn đến mất phản áp, gây nên sụp lún mặt đê.
Để khắc phục sụp lún, theo nhận định của ngành chuyên môn, cần bơm bùn, cát vào tuyến kinh bên trong đê với tổng khối lượng 20.000 m3. Bên cạnh đó, tạo phản áp hạn chế sụp lún. Việc làm này còn tạo mặt bằng rộng lớn ven chân đê để hình thành khu tái định cư cho cư dân ven biển, hướng tới mục tiêu phát triển dân cư, tạo bộ mặt đô thị tại cửa biển (ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), Khu di tích lịch sử Quốc gia hòn Đá Bạc và góp phần phát triển kinh tế biển…
Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lâm Minh Thời cho biết, bên cạnh bơm bùn, đơn vị cũng tiến hành bơm cát tạo mặt bằng nhằm xây dựng khu tái định cư tại đây (diện tích khoảng 3,5 ha). Mục tiêu là đưa người dân bị ảnh hưởng sạt lở, di dời giải toả do làm đê biển Tây vào ở, nhằm ổn định dân cư nơi cửa biển Đá Bạc.
Hiện khối lượng bùn, cát được bơm vào khoảng trên 40.000 m3, chiếm khoảng 1/3 chiều dài tuyến kênh. Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai thông tin: "Hiện chi cục đang tập trung nhân lực, phương tiện để việc bơm bùn và cát ngoài biển được gấp rút thực hiện với các tổ máy hoạt động 24/24 giờ, quyết tâm hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất nhằm bảo vệ sản xuất, an toàn tài sản và tính mạng của người dân sống bên trong đê biển Tây./.
Hạn hán đã làm cho tuyến đê biển Tây bị sụp lún hoàn toàn thân đê dài 240 m, đoạn vàm Đá Bạc - Kênh Mới. (Ảnh chụp ngày 2/3/2020). |
Với công suất bơm 4.000 m3/giờ, trong đó có 30% đất bùn, cát được giữ lại, 70% nước mặn được các trạm bơm di động bơm ra ngoài biển để nước mặn không xâm nhập vào nội đồng. |
Hiện bùn, cát đã được bơm vào 1/3 chiều dài tuyến kênh, đạt từ 30-40% khối lượng công trình. |
Những người làm công tác hộ đê phải túc trực ngày đêm. |
Hàng ngàn khối đá được dự trữ để gia cố đê biển khi cần thiết. |
Cùng với con người, nhiều loại cơ giới được huy động sẵn sàng hộ đê. |
Trung Đỉnh - Hoàng Vũ