Ðể thuận lợi cho người dân, thời gian qua, nhiều bệnh viện, phòng khám trên địa bàn tỉnh áp dụng thực hiện việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD). Với tấm thẻ CCCD gọn nhẹ, giờ đây mọi thủ tục đều được tiếp nhận và tích hợp hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tra cứu và tiếp nhận thông tin trên BHYT của người dân bằng thẻ CCCD cũng dần được sử dụng rộng rãi vào hồ sơ sức khoẻ điện tử trên VNPT HIS.
- Quản lý chặt quỹ khám, chữa bệnh
- Triển khai các giải pháp kiểm soát chi khám chữa bệnh BHYT năm 2024
- Vượt khó, đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT
Bệnh viện Ða khoa tỉnh (Phường 6, TP Cà Mau) bắt đầu triển khai chuyển đổi số từ năm 2022, trên nhiều hoạt động như: thanh toán các chi trả không dùng tiền mặt; ứng dụng Cơ sở dữ liệu về dân cư trong tiếp nhận, khám và điều trị; hồ sơ sức khoẻ điện tử... đảm bảo từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc tiếp nhận khám, chữa bệnh bằng CCCD, ứng dụng VNeID đã giúp đơn giản hoá thủ tục khám, chữa bệnh, tiết kiệm thời gian khi đăng ký thông tin thủ tục ban đầu, đặc biệt là người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ như trước đây.
Người dân sử dụng CCCD để thăm khám và chữa bệnh tại Phòng khám Ða khoa Minh Hải.
Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Minh Nghị, Phó giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh, cho biết: “Bệnh viện thực hiện tiếp nhận bệnh bằng CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID và sử dụng thẻ BHYT điện tử sau khi đã tích hợp. Hiện tại, để đáp ứng lượng bệnh đến thăm khám, bệnh viện bố trí 6 thiết bị đọc mã QR code tại các khoa cấp cứu, lọc máu, khám bệnh. Người bệnh chỉ cần dùng thẻ CCCD để đăng ký khám bệnh, các thông tin cá nhân, thông tin BHYT đều được cập nhật và tích hợp vào hệ thống tự động”.
Tại Bệnh viện Sản - Nhi (Phường 6, TP Cà Mau), việc chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh có nhiều hiệu quả. Bác sĩ Võ Thành Lợi, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi, cho biết: "Ðể đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh, không dùng tiền mặt, bệnh viện mở rộng nhiều hình thức thanh toán như: thanh toán qua thẻ, các ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại, qua máy POS, quét mã QR code, ví Money..., nhờ đó người dùng có thể thoải mái lựa chọn một trong những hình thức thanh toán phù hợp”.
Bà Cao Thị Tiền, ngụ xã Ðất Mới, huyện Năm Căn, chia sẻ: “Do nhà ở xa trung tâm nên trước nay khi đi khám bệnh hay đăng ký các thủ tục hành chính, tôi phải kiểm tra kỹ lưỡng và mang theo các loại giấy tờ tuỳ thân, nhưng đôi khi vẫn có sai sót. Giờ đây, khi tích hợp thông tin trên CCCD thì mọi việc dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu quên mang thẻ CCCD thì đưa hình chụp lại thẻ trên điện thoại vẫn được chấp nhận, nhờ vậy tiết kiệm công sức, thời gian đi lại”.
Việc triển khai đồng loạt nhiều giải pháp trong chuyển đổi số giúp ngành y tế giải quyết có hiệu quả nhanh chóng các thủ tục đăng ký ban đầu (Ảnh chụp tại Bệnh viện Sản - Nhi).
Xu hướng chung về thay đổi để mang lại tiện ích cho người dân, khách hàng và bệnh nhân sử dụng, tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại cũng lan toả đến các cơ sở y tế ngoài công lập, đặc biệt là các phòng khám có sử dụng khám, chữa bệnh bằng BHYT.
Phòng khám Ða khoa Minh Hải (Phường 6, TP Cà Mau) triển khai thực hiện khám, chữa bệnh thanh toán BHYT bằng CCCD có gắn chip hoặc qua ứng dụng phần mềm VNeID từ tháng 4/2023. Hầu hết người bệnh đến đây đều mang theo CCCD, trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 80 lượt, trong đó khoảng 60 lượt khám, chữa bệnh bằng CCCD có gắn chip hoặc thông qua ứng dụng VNeID, các trường hợp còn lại tiếp nhận bằng CCCD và thẻ BHYT giấy. Bên cạnh đó, phòng khám còn sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử, bệnh án điện tử ngoại trú đối với bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh mạn tính, theo quy định trong công tác khám, chữa bệnh BHYT.
Ðánh giá về tiện ích khi áp dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử, bệnh án điện tử, ông Nguyễn Tấn Ðạt, Phó giám đốc Phòng khám Ða khoa Minh Hải, cho biết: “Quá trình triển khai đã mang lại nhiều tiện ích, vừa cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời, vừa tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy; thông tin bệnh nhân được lưu trữ trong hệ thống mạng, sắp xếp theo mã số bệnh nhân. Nếu giấy tờ bị mất cũng dễ cấp lại vì thông tin được lưu trữ trên phần mềm. Ðây là cơ sở dữ liệu về sức khoẻ rất lớn, việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh và dự báo, hoạch định chính sách bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ người dân được tốt hơn. Bệnh án điện tử cũng góp phần công khai, minh bạch trong khám, chữa bệnh. Kết quả cận lâm sàng, xét nghiệm, toa thuốc lưu trong hệ thống, theo dõi được diễn biến bệnh nên người bệnh được chăm sóc và điều trị tốt hơn”./.
Nhi Ngô