Thực hiện chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai dự án mở rộng mạng đường ống các công trình cấp nước hiện có (dự án) để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, sau khoảng 1 tháng triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 80% công tác lắp đặt đường ống.
- Cần làm thật nhanh, thật sớm các giải pháp cung cấp nước cho người dân
- Cần giải pháp lâu dài đảm bảo cấp nước người dân
- Triển khai dự án cấp nước trên 15,6 tỷ đồng ứng phó hạn hán
- Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau khảo sát về sử dụng nước sạch ở Hòn Chuối
Vận chuyển đường ống đến các điểm lắp đặt.
Đây là dự án mang ý nghĩa giúp giảm bớt khó khăn cho người dân trong vùng khô hạn, đặc biệt là giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt.
Dự án được triển khai trên địa bàn 6 xã, thị trấn thuộc 2 huyện, gồm: xã Khánh Bình Đông, xã Trần Hợi, xã Khánh Bình Tây Bắc, thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời); xã Khánh Lâm, xã Khánh Hoà (huyện U Minh).
Tổng kinh phí 15,642 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh 9,546 tỷ đồng để mua sắm vật tư thiết bị nguồn nước; nguồn vốn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tự cân đối năm 2024-2025 là 4,377 tỷ đồng để thực hiện công tác lắp đặt và hoàn thiện đường ống, lắp đặt đồng hồ nước, hoàn trả mặt bằng bê tông trên đường ống, hỗ trợ một phần các chi phí tư vấn cần thiết; nguồn vốn huy động xã hội hoá 1,719 tỷ đồng sử dụng cho việc đào, đắp đất để lắp đặt hoàn thiện đường ống và một số chi phí khác.
Là chủ đầu tư, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: “Tỉnh cấp kinh phí giao về địa phương hỗ trợ mua 227 bồn nhựa loại 1 ngàn lít để dự trữ cho các hộ dân khu vực đặc biệt khó khăn về nguồn nước sinh hoạt ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình. Đối với nguồn kinh phí 9,546 tỷ đồng tỉnh cấp cho mua sắm vật tư thiết bị, đã chỉ định thầu ngày 23/4/2024, gồm 4 gói thầu mua sắm vật tư thiết bị. Trung tâm NS&VSMTNT tổ chức lắp đặt đường ống, đến nay đã đạt được khoảng 47/57 km ở các xã”.
Nhân viên Trung tâm NS&VSMTNT cùng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tham gia hỗ trợ lắp đường ống.
Trực tiếp phụ trách nhiệm vụ triển khai dự án, ông Lê Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT, cho biết: “Khi tỉnh phê duyệt cấp độ rủi ro thiên tai, Trung tâm xin chủ trương triển khai ngay. Đơn vị phối hợp với các địa phương, huy động toàn bộ lực lượng của đơn vị và người dân cùng thực hiện. Lực lượng của địa phương gồm: Đoàn thanh niên, dân quân tự vệ hỗ trợ đào đường đặt ống ở những nơi công cộng; người dân đào đất để đặt đường ống đi qua của mỗi hộ gia đình. Còn nhân viên Trung tâm phụ trách lắp đặt ống, trả mặt bằng, hoàn thiện đường ống và lắp đồng hồ để cấp nước cho người dân trên tuyến”.
Việc lắp đặt đường ống được tiến hành đồng thời ở các xã. Mỗi điểm mở rộng cấp nước có chiều dài khoảng 10-15 km, 10 người phụ trách chuyển ống lắp đặt, đào đất…
Tuy nhiên, công tác lắp đặt cũng gặp không ít khó khăn. Ông Lê Công Nguyên chia sẻ: “Mùa khô nên đất rất cứng, khó đào. Khâu phá vỡ mặt bằng bê tông để lắp đặt đường ống cũng khó khăn, vì người dân không có phương tiện. Đơn vị dự kiến hỗ trợ luôn phần này, tận dụng các nguồn kinh phí để làm cho hộ dân”.
“Thời điểm này, lắp đến đâu, chúng tôi sẽ đặt vòi nước công cộng đến đó để cung cấp cho người dân sử dụng nước miễn phí (khoảng 300-500 m dựng 1 vòi công cộng cho dân sử dụng tạm). Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị rất quyết tâm, động viên anh em làm quyết liệt để kéo ống, cấp nước cho người dân. Thời điểm này, anh em Trung tâm cũng như lực lượng địa phương làm suốt trên các địa bàn, bất kể thứ Bảy, Chủ nhật”, ông Nguyên chia sẻ thêm.
Người dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tích cực đào đất để đặt đường ống đi qua mỗi hộ gia đình, nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình chung.
Theo ghi nhận, đến nay dự án đã đạt khoảng 80% khối lượng lắp đặt ống, với 47 km. Theo dự kiến của Trung tâm NS&VSMTNT, đến ngày 15/5 sẽ hoàn thành việc kéo đường ống, sau đó tiếp tục hoàn thiện đường ống, lắp ống xuống đất và tráng trả mặt bằng.
Khi hoàn thành đường ống thì sẽ triển khai lắp đồng hồ nước. Tuy nhiên, với hơn 1 ngàn đồng hồ, sẽ phải mất thời gian khá lâu, bởi dân cư nông thôn thưa thớt, rải rác, đường ống dài. Tiến độ trung bình mỗi ngày sẽ lắp được khoảng 70-80 đồng hồ. Theo đó, dự kiến trên 15 ngày mới lắp xong đồng hồ nước cho dân.
Riêng địa bàn huyện Thới Bình, đối với Trạm cấp nước xã Biển Bạch, Tân Bằng, khắc phục được 273 hộ dân thiếu nước khu vực ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch (Kênh 23-25 và kênh Ngã Bát). Hiện tại, tình trạng sử dụng nước từ công trình cấp nước này, còn khoảng 100 hộ cuối nguồn thiếu nước, do người dân sử dụng đồng loạt, áp lực nước tới cuối nguồn giảm. Ông Phan Hoàng Vũ cho biết: “Sở NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm NS&VSMTNT tăng công suất công trình cấp nước, lắp thêm bơm giếng bổ sung, khắc phục thiếu hụt nước cuối nguồn, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân”.
Chỉ đạo vấn đề này, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, kiên quyết: “Đây là vấn đề cấp bách, nhưng đến nay tỷ lệ hoàn thành kéo đường ống nước chưa cao. Ống vẫn còn nằm chênh vênh trên mặt đất. Đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm NS&VSMTNT cùng với các huyện khẩn trương tập trung lực lượng, làm ngay, thật nhanh, thật hiệu quả dự án, đồng thời có giải pháp bảo vệ đường ống trước khi lắp xuống đất, để kịp thời cấp nước tới dân, không để chậm trễ”./.
Hồng Nhung