(CMO) Năm học mới 2022-2023 đã ổn định, tuy nhiên qua rà soát của ngành GD&ÐT, hiện vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu giáo viên ở một số môn học vẫn đang là trở ngại lớn nhất. Phóng viên báo Cà Mau phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ÐT, về các giải pháp gỡ khó cho vấn đề này.
- Qua công tác và nắm thông tin ở nhiều địa phương trong tỉnh, phóng viên ghi nhận tình trạng thừa, thiếu giáo viên (ở một số môn học). Ðể giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục tỉnh đã có phương án gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Luận: Năm học 2022-2023, tỉnh triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10) theo quy định. Hiện tại địa phương còn thiếu giáo viên đối với các môn học mới. Cụ thể, ở cấp tiểu học còn thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học; đối với cấp THPT còn thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ lớp 10; môn Thể dục, Giáo dục quốc phòng - an ninh (số lượng đang rà soát - PV).
Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về rà soát sắp xếp trường, lớp, giáo viên, Sở GD&ÐT đã có văn bản phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện việc rà soát sắp xếp về trường, lớp, chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học 2022-2023. Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp chuẩn bị đội ngũ giáo viên như bố trí, sắp xếp từ nơi thừa sang nơi thiếu; tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở những trường đủ điều kiện; xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo nguồn giáo viên các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ.
Các môn học còn thiếu giáo viên như Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh; đối với giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học ở các trường còn thiếu thì các huyện, TP Cà Mau cơ bản có giải pháp bố trí, điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tăng cường ở các trường thiếu; thỉnh giảng giáo viên, hợp đồng lao động theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế; đồng thời đang khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên đối với các vị trí thiếu trong năm 2022.
Năm học mới 2022-2023, tình hình trường, lớp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập theo chương trình. (Ảnh: Tiết học đầu tiên của học sinh Trường THCS-THPT Tân Lộc).
- Thực trạng sĩ số học sinh trên lớp học hiện nay ra sao? Ngành giáo dục đã có những giải pháp, đề xuất gì đối với việc một số trường có sĩ số lớp học đông hơn so với quy định hiện hành?
Ông Nguyễn Thanh Luận: Theo số liệu thống kê đầu năm học 2022-2023, toàn tỉnh Cà Mau có 501 cơ sở giáo dục. Trong đó, mầm non 132, tiểu học 220, THCS 114, THPT 33 và 2 trung tâm (Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh) với 7.578 lớp, 233.299 học sinh.
Sĩ số bình quân học sinh/lớp của toàn tỉnh theo từng cấp học là: nhà trẻ 24 học sinh/lớp, tiểu học 28 học sinh/lớp, THCS 35 học sinh/lớp và THPT 39 học sinh/lớp. Như vậy, sĩ số bình quân học sinh/lớp trên toàn tỉnh, đặc biệt là cấp phổ thông thấp hơn nhiều so với quy định hiện hành (cấp tiểu học tối đa 35 học sinh/lớp và cấp trung học không quá 45 học sinh/lớp).
Sĩ số bình quân học sinh/lớp nhiều hơn so với quy định chỉ tập trung ở một số trường tiểu học tại trung tâm TP Cà Mau như Tiểu học Quang Trung (43 học sinh/lớp), Tiểu học Hùng Vương (44 học sinh/lớp), Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (43 học sinh/lớp), Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu (45 học sinh/lớp), Tiểu học Lê Quý Ðôn (44 học sinh/lớp)… Ðây là những trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt, có tổ chức bán trú cho học sinh, chất lượng giáo dục luôn ổn định… Do đó, phần lớn cha mẹ học sinh rất mong muốn được gửi con em vào học những trường này, điều này đã dẫn đến quá tải cho nhà trường.
Ðể giải quyết dứt điểm vấn đề trên, cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp, như tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền tăng cường đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất, phòng học… nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tại các trường quá tải nêu trên. Ðồng thời, mở rộng, đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, bếp ăn… đảm bảo đủ điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho học sinh tại các trường còn lại trên địa bàn TP Cà Mau. Với điều kiện học tập, chất lượng giáo dục như nhau, sẽ giảm được áp lực cho các trường trung tâm thành phố.
Song song đó, ngành phối hợp chặt chẽ với UBND TP Cà Mau tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn thành phố; tham mưu cơ chế, chính sách, đất đai, vốn… để mời gọi tổ chức, cá nhân đầu tư trường ngoài công lập tại một số nơi đông dân cư trên địa bàn thành phố.
Riêng Sở GD&ÐT, sẽ tăng cường kiểm tra, trong đó tập trung công tác tuyển sinh đầu cấp, sắp xếp trường lớp, bố trí đội ngũ giáo viên… tại một số điểm trường để có biện pháp căn cơ, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Theo số liệu thống kê đầu năm học 2022-2023, toàn tỉnh Cà Mau có 501 cơ sở giáo dục, trong đó cấp tiểu học có 220 trường.
- Trước năm học mới, ngành cũng như UBND tỉnh đã kiên quyết chỉ đạo nghiêm khắc việc tổ chức dạy thêm, học thêm. Xin ông cho biết, hiện thực trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh ra sao? Công tác kiểm tra, giám sát đã và đang thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Luận: Năm học 2021-2022, dịch Covid-19 kéo dài, học sinh không đến trường mà chủ yếu học trực tuyến, nhiều học sinh tiếp thu kiến thức chưa được đầy đủ, nên khi vào năm học mới rất nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con em mình bổ sung kiến thức chưa đầy đủ của năm học trước để làm nền tảng cho năm học này.
Xuất phát từ lý do đó, phụ huynh nhờ giáo viên kèm tại nhà phụ huynh hay một nhóm tại nhà giáo viên hoặc đến các trung tâm bồi dưỡng văn hoá để học.
Từ thực tế nêu trên, tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, ở hầu hết các cấp học, đa dạng với nhiều hình thức khác nhau (gia sư, dạy kèm theo nhóm, theo khối lớp…), dạy theo nhóm ở gia đình hoặc tổ chức dạy tại nhà giáo viên rất khó kiểm soát, vì địa bàn rộng, khó phát hiện, khi có tố giác mới phát hiện, xử lý.
Các trung tâm bồi dưỡng văn hoá, trung tâm ngoại ngữ và các cơ sở giáo dục tổ chức dạy trong nhà trường thực hiện đúng theo Quyết định số 23/2020/QÐ-UBND, ngày 29/10/2020 của UBND tỉnh Cà Mau Ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, được Sở GD&ÐT kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Song, tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh phát sinh một số vấn đề cần kiểm tra và quản lý chặt chẽ hơn. Ðối với việc dạy ở các cơ sở bồi dưỡng văn hoá, các trung tâm ngoại ngữ, dạy thêm trong nhà trường thì ngành đã có chỉ đạo thực hiện đúng theo quy định. Riêng cá nhân tổ chức dạy theo nhóm ở nhà riêng, Sở GD&ÐT yêu cầu Trưởng phòng GD&ÐT các huyện, TP Cà Mau và Hiệu trưởng các đơn vị trường học tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, cho giáo viên cam kết không tổ chức dạy thêm và dạy thêm không đúng quy định.
Sở GD&ÐT sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch và đột xuất; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Ðồng thời, đưa nội dung thực hiện quy định dạy thêm, học thêm vào xét khen thưởng cuối năm học, xử lý trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường nếu để vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm tại đơn vị. Ðến nay, chưa phát hiện cá nhân, tổ chức vi phạm.
- Xin cảm ơn ông!
Phong Phú thực hiện