Đặt chục ký gạo và mấy gói mì lên chiếc xe gắn máy, ông Phó Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) phân trần: "Kinh phí hoạt động của hội ít quá, đành vậy thôi, của ít lòng nhiều mà!". Ông Phó Chủ tịch Hội chạy xe trước, ông Chủ tịch Hội đạp xe lọc cọc theo sau.
Đặt chục ký gạo và mấy gói mì lên chiếc xe gắn máy, ông Phó Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) phân trần: "Kinh phí hoạt động của hội ít quá, đành vậy thôi, của ít lòng nhiều mà!". Ông Phó Chủ tịch Hội chạy xe trước, ông Chủ tịch Hội đạp xe lọc cọc theo sau.
Ðoạn đường không xa lắm, chỉ hơn 2 cây số, lộ xóm tuy vẫn còn nhiều đoạn gồ ghề, nhưng cũng dễ đi. Ông Hồ Trung Trực, Chủ tịch Hội, chỉ vào ngôi nhà 3 gian, lợp mái tol: “Ðây là nhà của hội viên tù chính trị Phan Văn Thạnh. Ngôi nhà này do Hội Tù chính trị yêu nước xã Thạnh Phú vận động Quỹ “Trái tim Hoà Hảo” hỗ trợ 38 triệu đồng, gia đình chạy vạy góp thêm vào để cất ngôi nhà trị giá hơn 50 triệu đồng”.
Hội Tù chính trị xã Thạnh Phú thăm và tặng quà cho gia đình ông Thạnh (người ngồi giữa), anh Sum (người ngồi trên xe lăn). |
Ngôi nhà nền xung quanh xây gạch, cột đổ bê-tông, đòn tay bằng sắt mạ kẽm, mái lợp tol, vách lá. Trên cơ bản thì đã hoàn thành, nhưng thật ra chỉ mới lợp và dừng vách bên ngoài xong, vách ngăn phòng, cửa, nền nhà đều còn dang dở. Ông Phan Ðình Ngon, con trai út của ông Thạnh, cũng là lao động duy nhất trong gia đình 7 miệng ăn (2 người già trên 80 tuổi bị bệnh, 1 người bị tai nạn giao thông tàn phế, 3 đứa trẻ còn đi học) cho biết, do hết tiền nên phần còn lại sẽ làm từ từ...
Bước vào nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một người đàn ông còn khá trẻ, khuôn mặt xanh xao vô hồn đang ngồi bất động trên chiếc xe lăn. Trên chiếc giường cũ kỹ kế bên là một ông lão tiều tuỵ đang nằm co ro, nghe tiếng Hai Trực, ông lão lại sụt sịt khóc. Bà vợ ngồi kế bên phân trần: "Lần nào chú Hai ghé thăm ổng cũng khóc vậy hết!".
Ðó là hai cha con ông Phan Văn Thạnh, 86 tuổi và anh Phan Văn Sum, 47 tuổi. Ông Phan Văn Thạnh là cựu tù chính trị. Ông Thạnh tham gia cách mạng năm 1955, năm 1959 ông bị giặc bắt. Chúng giam ông tại Khám Lớn Cà Mau 1 năm, không khai thác được gì, chúng đày ông ra nhà tù Phú Quốc cho đến năm 1963 chúng mới thả về. Ra tù, ông tiếp tục công tác ở ấp cho đến những năm 1980 vì sức khoẻ yếu ông mới nghỉ công tác.
Bà Nguyễn Thị Sáu, vợ ông Thạnh, cho biết, từ ngày ra tù đến nay, ông Thạnh thường xuyên bị bệnh, sức khoẻ ngày một sa sút. Ðến năm 2005 thì di chứng tù đày tái phát dữ dội, gia đình rất cố gắng chạy chữa nhưng bệnh của ông Thạnh ngày càng nặng hơn. Hiện nay ông chỉ ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều dựa vào người con trai út và bà vợ cũng đã 82 tuổi, nay yếu mai đau lại mang trong người chứng bệnh thiếu máu cơ tim và đau nhức khớp.
Một mình ông Thạnh bệnh nhà đã đủ khổ rồi. Hoạ vô đơn chí, con trai thứ của ông, anh Phan Văn Sum, 47 tuổi, cách đây 4 năm, đi lên nhà vợ sắp cưới ở cầu Số 3, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình để bàn việc chuẩn bị cho ngày cưới, khi đang đứng bên lề đường đợi nhà vợ ra rước thì anh Sum bị xe tông văng xuống lề đường bất tỉnh rồi bỏ chạy luôn. Người đi đường phát hiện kêu taxi chở anh vào Bệnh viện Cà Mau...
Tai nạn đã biến một chàng trai khoẻ mạnh trở thành người tàn phế. Chân, tay, hàm, mặt... đều phải nẹp kim loại, đầu óc không còn tỉnh táo, phải ngồi xe lăn. Chỉ riêng tiền điều trị cho anh Sum đợt đầu đã lên đến 320 triệu đồng. Anh Ngon bùi ngùi: "Ðể cứu mạng anh tôi, 9 công đất, nguồn nuôi sống cả gia đình đã “đội nón ra đi” nhưng vẫn chưa đủ. Tôi phải chạy vạy vay nợ khắp nơi để tiếp tục điều trị cho anh Sum và cha tôi".
Hai người bệnh còn nằm đó, tương lai mờ mịt thì 2 năm trước, con gái lớn của anh Ngon, cháu Phan Thị Xuân Trúc đang học lớp 7 bị tai nạn giao thông. Bác sĩ cho biết cháu bị giập thận, điều trị tại Bệnh viện Cà Mau hết 19 triệu đồng, người đụng cháu nghèo quá nên chỉ tiếp tiền thuốc men được 1 triệu rưỡi. Anh Ngon lại tiếp tục chạy vạy vay hỏi khắp nơi để lo thuốc men cho con. Hiện gia đình đã thiếu hơn 80 triệu tiền nợ, hằng tháng anh phải trả hơn 4 triệu tiền lãi (lãi 60.000 đồng/triệu/tháng).
Anh Ngon ngậm ngùi: "Ðất đai không còn, lấy gì mà thế chấp để vay ngân hàng nên đành vay bên ngoài. Cái gì còn tính toán, tiện tặn được, chớ cứu sinh mạng người thân thì dù bán cả thân mình tôi cũng đành chịu, huống hồ vay nợ".
Anh Ngon cho biết, do cha và anh trai như vậy, anh không dám đi làm xa nên công việc phụ hồ của anh cũng rất bấp bênh. Vợ anh thì phải lo cho 3 đứa con rồi phục vụ cha mẹ và anh chồng nên cũng không đi làm gì được. Việc kiếm tiền chỉ mình anh Ngon lo liệu, có đủ tiền đóng lãi là mừng rồi, nói chi tới trả nợ gốc. Thế nên những ngày nghỉ hè dù sức khoẻ rất kém nhưng bé Trúc vẫn phải đi lột tôm để kiếm tiền trang trải cho việc học sắp tới.
Ông Trần Minh Trung, công an viên ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, than thở, gia đình ông Thạnh sống rất tốt, họ luôn chí thú làm ăn, nhưng do bệnh tật, tai nạn nên khánh kiệt. Ấp, xã, Hội Tù chính trị xã rất quan tâm, thăm hỏi, vận động nguồn trợ giúp, giải quyết các chế độ theo quy định hiện hành cho gia đình nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Rất mong các nhà hảo tâm giúp thêm để cuộc sống của gia đình ông Thạnh đỡ khổ hơn./.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Tổ Từ thiện - Xã hội Báo Cà Mau. ĐT: 0780.3831066, gặp anh Trầm Nghĩ Tài khoản Quỹ từ thiện Báo Cà Mau: - Tên đơn vị: Báo Cà Mau - Số tài khoản: 10201-000205255-9 - Mở tại: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cà Mau. |
Bài và ảnh: Huyền Linh