(CMO) Tách ra từ xã Khánh Hoà, từ xã nghèo nhất của huyện U Minh với tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, qua gần 15 năm chia tách, với quyết tâm của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Khánh Thuận đã vươn mình sánh ngang tầm với các xã bạn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,2% (tương đương 300 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo 0,85% (tương đương 25 hộ).
Trên địa bàn xã có rất nhiều mô hình kinh tế phát triển mang tính bền vững. (Trong ảnh: Mô hình nuôi lươn không bùn của đoàn viên thanh niên). |
Ông Ðỗ Minh Ðẳng, Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã, phấn khởi: “Ðảng bộ đã ban hành nghị quyết đề ra mục tiêu mỗi năm giảm 3% hộ nghèo (tương đương 100 hộ). Ðể đạt được con số đó, chính quyền địa phương tranh thủ tất cả các nguồn đầu tư, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà, xây cầu nối mạch các tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hoá. Từ đó, kinh tế địa phương được nâng lên đáng kể”.
Từ đầu năm đến nay, Khánh Thuận đã vận động xây dựng 6 cây cầu nối nhịp đường quê.
|
Người dân chủ động “vá” lại những tuyến lộ bị bể để việc lưu thông an toàn. |
Ngoài ra, Khánh Thuận còn tận dụng nguồn vốn tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương với các mô hình như: nuôi heo thương phẩm, nuôi gà, vịt… Ðồng thời, xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững. Thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP. Ðặc biệt, xã xây dựng thành công 4 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 4 sao. Từ đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Trên địa bàn xã không còn nhà ở tạm, dột nát… Ðó là nền tảng vững chắc để Khánh Thuận cán mốc nông thôn mới vào năm 2025 như lộ trình đề ra.
Chuối sấy dẻo là một trong những sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao của xã, tạo được thương hiệu và có đầu ra ổn định.
|
Cây tràm, cây keo lai vẫn là nguyên liệu chủ lực của xã.
Kim Cương thực hiện