ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 9-7-25 16:36:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khát chữ

Báo Cà Mau Trên con đường gập ghềnh, cát, đá nằm ngổn ngang, một mình với chiếc xe đẩy tự đóng, bà Hai Trừ (Nguyễn Thị Trừ, 60 tuổi, ở khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời) cố gắng giữ thăng bằng cho cặn heo trong thùng không đổ ra ngoài. Bốn cây số là đoạn đường hằng ngày bà Hai đẩy xe đi gom thức ăn dư thừa ở các quán xá mang về cho heo ăn.

Trên con đường gập ghềnh, cát, đá nằm ngổn ngang, một mình với chiếc xe đẩy tự đóng, bà Hai Trừ (Nguyễn Thị Trừ, 60 tuổi, ở khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời) cố gắng giữ thăng bằng cho cặn heo trong thùng không đổ ra ngoài. Bốn cây số là đoạn đường hằng ngày bà Hai đẩy xe đi gom thức ăn dư thừa ở các quán xá mang về cho heo ăn.

Dù mệt nhọc, nhưng xách cặn heo không làm khó bà bằng chuyện đọc được bảng số xe để khỏi bị lạc mỗi khi xe dừng bến trong những chuyến lên thăm con học đại học. Bà Hai Trừ tâm sự: “Vì không biết chữ, mỗi khi đi xe, tôi hỏi thăm những người ngồi gần xem họ đi đâu, nếu đi cùng đường tôi để ý màu áo của họ rồi âm thầm đi theo nhưng không để người ta biết, vì biết người ta sẽ khó chịu với mình”.

Dù bận rộn lo toan cho các con học hành nhưng nhiều năm qua, vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Trừ vẫn đều đặn kiếm thuốc Nam gửi chùa.

Thấu hiểu thiệt thòi, thất bại của người thất học, nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, vợ chồng bà Hai Trừ tảo tần chắt mót để các con không bỏ cái chữ giữa chừng. Trước hết là tiết kiệm, kể cả những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của bản thân. Trong căn nhà tạm bợ, vách lá cũ kỹ, dột nát ông bà Hai đang ở, đồ dùng rất nhiều, nào là tủ, bàn, ghế, ti-vi nhưng không có cái nào nguyên vẹn vì tất cả đều là đồ cũ người ta cho ông bà mang về tận dụng lại.

Bà Hai nhớ lại, lúc bà và chồng lấy nhau nghèo rớt mồng tơi. Không có đất canh tác, ông Hai đi đặt lọp, cắm chà dưới sông bắt cá bán, làm cỏ mướn, đào đất mướn, ai thuê gì làm nấy. Bà ở nhà nuôi heo, chằm lá bán. Rồi 3 đứa con lần lượt chào đời. Cuộc sống khó khăn, mấy đứa nhỏ toàn ăn cơm chan nước mắm. Thấy hoàn cảnh vợ chồng bà quá khó khăn mà các con bà đứa nào học cũng giỏi nên hàng xóm, láng giềng và các thầy cô giáo trong trường giúp đỡ một phần tiền học phí, sách vở, quần áo.

“Thương con Thảo, năm học lớp 3, bị gà đá, cựa gà cắm ngay vào đầu. Nó bị mất trí nhớ phải nghỉ học 1 năm. Thuốc men chữa trị không hết, tôi cầu trời, khẩn Phật may sao nó khoẻ lại. Năm sau đi học tiếp. Vậy mà nó là đứa học giỏi nhất. Còn thằng Hiểu, lúc nhỏ toàn đi lượm dép người ta bỏ đem về để dành. Có được 2 chiếc làm thành 1 đôi, toàn mang dép chiếc đực, chiếc cái. Nó đi lượm viết ở bờ sông đem về rửa sạch, cây nào còn mực thì chia cho các em cùng xài. Con Phấn mấy lần bị xỉu trong trường vì đói. 10 tuổi nó đã biết chằm lá bán kiếm tiền phụ mẹ. Tôi không biết chữ. Thiệt thòi lắm nên luôn động viên mấy đứa con ráng học, khổ sở gì cũng ráng”, bà Hai bùi ngùi nói.

Dù không thể dạy con học chữ nhưng bà Hai luôn quan tâm nhắc nhở, sát cánh bên con trong những kỳ thi quan trọng và là chỗ dựa tinh thần cho các con của mình. Nhắc đến 3 lần đưa con đi thi đại học, nhớ như in lần đầu tiên đưa Hồng Thảo đi thi ở TP Hồ Chí Minh, bà Hai kể: “Ðịnh bán con heo có tiền cho con Thảo đi thi. Sắp tới ngày đi, heo chết, tôi chạy đôn chạy đáo vay được 1 triệu đồng. Hai mẹ con lên TP Hồ Chí Minh nhưng đâu dám ở nhà trọ vì không có nhiều tiền.

Tôi sao cũng được, nhưng phải cho con ăn uống đầy đủ để có sức mà thi, vậy là 2 mẹ con xin vào chùa ở nhờ, ăn nhờ. Ngày biết con đậu đại học, tôi và ổng mừng rơi nước mắt. Nhưng thức trắng đêm vì lo. Tuy vậy, vợ chồng tôi cố giấu nỗi buồn, động viên con, không để nó nản lòng. Sau con Thảo, thằng Hiểu vào cao đẳng, con út Phấn vào đại học. Chúng tôi làm ngày làm đêm, có được đồng nào gởi đồng đó, tụi nó biết cha mẹ vất vả nên xài tiền rất tiết kiệm, ngoài giờ học đi làm thêm kiếm tiền đóng học phí”. 

Thương cha mẹ hy sinh, vất vả cả cuộc đời cho mình, quyết tâm thay đổi số phận bằng con đường học vấn đó là động lực để 3 đứa con của ông bà Hai phấn đấu học. Trần Hồng Thảo đang học cao học ngành Dệt may, Thiết kế thời trang và có việc làm ổn định. Trần Minh Hiểu tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ thông tin. Trần Hồng Phấn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn, đang tìm việc làm phù hợp với ngành nghề học. 

Hiện Trần Minh Hiểu, đứa con trai giữa của bà Hai, đang chờ cô chị học xong cao học, gia đình bớt nặng gánh, sẽ tiếp tục học liên thông lên đại học. Thêm nữa, thấy mẹ cha quá cực khổ, lại bị bệnh, Hiểu không chịu đi xa, mà mở tiệm photo và sửa chữa máy vi tính gần nhà tại khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời. Hiểu cho biết: “Mình khổ một, cha mẹ khổ mười. Sự vất vả của cha mẹ chính là động lực để em vượt qua khó khăn. Anh em luôn động viên nhau, thường xuyên gọi điện thoại chia sẻ buồn vui, nhắc nhở nhau phải cố gắng học hành”.

Những năm tháng làm lụng vất vả ngày đêm kiếm tiền lo cho con ăn học, sức khoẻ của ông bà Hai sa sút hẳn đi. Tuy sức khoẻ kém nhưng hằng ngày ông Hai vẫn đi hái thuốc Nam cho chùa, công việc mà hơn 20 năm qua ông vẫn làm. “Tôi và vợ đi đến đâu thấy cây thuốc gì là để ý rồi khi nào rảnh đi hái mang về phơi khô, vô bao gởi cho chùa. Khoảng 1-2 tháng gởi 1 lần, mỗi lần khoảng 30-40 bao. Ngày trước chưa có lộ gởi bằng tàu, giờ có lộ gởi xe buýt. Mấy người chủ tàu, chủ xe biết tôi làm từ thiện nên không lấy tiền. Bây giờ, mong mỏi lớn nhất của tôi là các con có công ăn việc làm ổn định. Nếu có tiền, 2 vợ chồng đi trị bệnh. Tôi không mong muốn gì hơn”, ông Hai tâm sự.

Tấm lòng của ông bà Hai được hàng xóm láng giềng thấu hiểu và ủng hộ, tham gia góp sức làm theo như chặt thuốc Nam phụ giúp, chỉ cho ông bà nơi có cây thuốc. Anh Lê Hoàng Phục, hàng xóm ông bà Hai Trừ, nhìn nhận: “Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng anh chị Hai nuôi con ăn học tới nơi tới chốn, ngoan ngoãn, lễ phép. Tôi rất nể phục tinh thần anh chị”.

Hành trình tìm cái chữ để giải “cơn khát chữ” của gia đình bà Hai Trừ vẫn đang tiếp diễn. Dù còn lắm những gian nan nhưng giấc mơ thoát khỏi thất học đã chạm đến, ước mơ thay đổi số phận đã dần hiện thực hoá. Con đường mà gia đình hiếu học này đã đi qua là minh chứng sinh động nhất cho quan điểm “không phải nghèo là không đi học” để láng giềng, cộng đồng ngẫm ngợi, noi theo./.

Bài và ảnh: Kiều Oanh

Trên 800 thủ tục hành chính được phân cấp, phân định thẩm quyền giải quyết

Chủ tịch UBND tỉnh vừa công bố Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Cà Mau và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã.

Thước đo hiệu quả của chính quyền

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và dịch vụ công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã. Năm 2024, Chỉ số PAPI của tỉnh Cà Mau xếp hạng 17 trên toàn quốc. Hiện tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện Chỉ số PAPI, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp.

Khẩn trương nâng cấp hạ tầng viễn thông cấp xã

Thực tế cho thấy, hạ tầng viễn thông, đường truyền trực tuyến ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cấp chính quyền cơ sở. Dù đã có sự quan tâm đầu tư, song hạ tầng viễn thông, đường truyền kết nối trực tuyến, chất lượng trang thiết bị ở các xã hiện nay tại Cà Mau chưa đồng bộ, dễ bị gián đoạn, tắc nghẽn, làm ảnh hưởng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ðể mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành vào ngày 1/7 tới, việc tháo gỡ vướng mắc này đang là ưu tiên lớn của tỉnh.

Tổ chức bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp xã mới

Ðể đáp ứng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mới, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2025/NÐ-CP ngày 9/6/2025 (Nghị định 118) về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ðây được xem là một bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc bộ máy hành chính, góp phần tạo dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.

Khi lòng dân là “thước đo” công quyền

Giữa nhịp sống hiện đại, khi mọi thiết bị hầu như đều có thước đo chính xác đến từng con số, thì trong guồng máy hành chính Nhà nước có một thứ thước đo “vô hình” nhưng lại rất quan trọng, đó chính là lòng dân. Sự hài lòng của người dân không chỉ phản ánh chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, mà còn là “tấm gương” soi chiếu hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Xác định điều này, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh cải cách, cải thiện Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).

Tinh gọn để phát triển

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, huyện Năm Căn đang triển khai đề án sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn. Theo đó, từ 7 xã và 1 thị trấn hiện tại, huyện sẽ tổ chức lại thành 3 đơn vị hành chính cấp xã.

Sẵn sàng cho bước chuyển đổi lớn

Thực hiện chủ trương lớn của Trung ương về tinh gọn bộ máy, từ ngày 1/7 tới đây, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Huyện U Minh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuẩn bị. Hiện các xã trung tâm đã hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết, sẵn sàng cho ngày chuyển đổi mang tính lịch sử.

Tiến đến chính quyền chuyên nghiệp, vì dân

Trong nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng phục vụ và tăng cường niềm tin của người dân, Cà Mau quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính (CCHC) với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hướng đến phục vụ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tiên phong của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, Cà Mau đang dần định hình hình ảnh một chính quyền năng động, chuyên nghiệp và gần dân.

Ðưa Cà Mau vào nhóm thứ hạng cao về PAR INDEX

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.

“Cú bứt phá” ngoạn mục

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.