(CMO) Bà Bùi Thị Trắng, 63 tuổi (ấp Tràm Thẻ Đông, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) vừa bước vội từ nhà ra vừa nói với theo: “Vàm kinh Bốn Thước người ta chắn lại rồi. Giờ không dìa Bạc Liêu bằng đường đó được đâu”.
Bà Trắng nhầm tưởng chúng tôi tìm đường tắt về Bạc Liêu từ Tân Phú qua Phước Long bằng đường giáp ranh kinh Bốn Thước để tránh sự kiểm tra, giám sát của địa phương. Bởi trông vẻ bề ngoài, thấy chúng tôi xuề xòa với áo mưa mỏng dính, đeo balo, trên chiếc Honda,.. trông gấp gáp giữa mùa giãn cách!
Khi biết rõ ý định những người khách hỏi đường, bà Trắng cười rang: “Là mèn, tui tưởng mấy chú trốn. Đi đâu mà quảy cặp, treo bánh chuối chiên lùm đùm, y như trốn kiểm soát?!”.
Đó là lần chúng tôi hỏi đường đi tác nghiệp ven tuyến giáp ranh giữa tỉnh Cà Mau với 2 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, thời điểm tháng 7/2021.
Câu chuyện cảnh giác của bà Trắng, càng thể hiện sự chủ động của người dân trong tham gia, phát hiện và có trách nhiệm với “chiến dịch” lớn của cả dân tộc đang thực hiện để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Bùi Văn Ly, Trưởng ban Nhân dân ấp Tràm Thẻ Đông, xã Tân Phú, huyện Thới Bình chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh phức tạp, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã lập các chốt kiểm soát tuyến giáp ranh. Ấp Tràm Thẻ Đông có chốt giáp với Ấp 8B, xã Phong Thạnh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Khu vực giáp ranh dài trên 7 km và có nhiều cầu lưu thông trên tuyến. Nhờ Nhân dân nhiệt tình tham gia, cung cấp thông tin khi có người lạ nên công tác quản lý chặt chẽ hơn”.
Mới đây, chúng tôi lại được gặp anh Biện Quốc Văn (Ấp 8, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), người đã từng góp công trong cảnh giác, phát hiện nhiều lượt đối tượng trốn qua chốt kiểm soát Quản lộ Phụng Hiệp để về tỉnh Cà Mau và ngược lại về Bạc Liêu.
Công tác xây dựng phong trào quần chúng, phát huy vai trò Nhân dân trong cảnh giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ảnh: Trung úy Huỳnh Thanh Sang, Công an tỉnh Cà Mau cùng trao đổi công tác với anh Biện Quốc Văn (áo trắng) và anh Nguyễn Xuân Thông.
Anh Văn kể: “Tôi hộ khẩu ở Giá Rai, Bạc Liêu, nhưng làm vuông ở xã Tân Thành, TP Cà Mau nên thường tới lui hỏi thăm, động viên lực lượng kiểm soát chốt Quản lộ Phụng Hiệp. Được nghe anh em phân tích mối nguy hại khi trốn kiểm soát y tế khi qua chốt, nên tôi và nhiều hộ làm vuông lân cận cũng có sự cảnh giác và phối hợp”.
Anh nhớ lại: “Tuần trước, khi đang gỡ lưới cá phi ngoài vuông, tôi nhìn thấy dáng người đi bộ hướng từ phía Cà Mau về Bạc Liêu, nhưng bước đi gấp gáp và như không rõ đường. Xác định đó không phải là người địa phương, tui lấy điện thoại gọi anh Năm Những là hộ lân cận, rồi gọi báo cho lực lượng trực tại chốt Quản lộ Phụng Hiệp để theo dõi. Bữa đó, lực lượng đã ngăn được trường hợp người lao động lén vượt qua chốt”.
Trước đó, khi phát hiện đối tượng lạ đi vào khu vực vuông tôm từ hướng Bạc Liêu về Cà Mau, anh Văn và Nhân dân đã báo cáo đến lực lượng đang túc trực ở chốt Quản lộ Phụng Hiệp chặn phía Cầu Nhum. Đó là đối tượng đã có kế hoạch chuẩn bị khi trốn qua chốt, người nhà họ đã bố trí sẵn xe chờ phía Cà Mau.
Chú Năm Những là hộ dân có hộ khẩu ở ấp Tân Dân, xã An Xuyên đến làm vuông địa bàn Ấp 6, xã Tân Thành. Chú cũng là đối tác thân tín của anh Văn và lực lượng túc trực ở chốt Quản lộ Phụng Hiệp. Hơn 2 tháng nay, chú không về nhà ở An Xuyên mà trụ lại Tân Thành, sẵn vừa trông vuông vừa cảnh giác tiếp lực lượng. “Góp tí công sức để anh em bớt mối lo”, chú Năm Những tự bạch.
Chú Năm Những khẳng định: “Phương án tổ chức để Nhân dân cùng tham gia phát hiện, cảnh giác đối tượng trốn kiểm soát bằng đường bờ vuông, lối tắt là cần thiết khi lực lượng ở chốt có giới hạn. Đã qua, người dân 2 địa bàn giáp ranh Cà Mau và Bạc Liêu chúng tôi đã làm được và sẽ phát huy”.
Không những là cánh tay dài, là đôi mắt sáng của các lực lượng, người dân ở khu vực giáp ranh Ấp 6, xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau và Ấp 8, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu còn là hậu phương vững tin. “Bất cứ khi nào, khi anh em làm nhiệm vụ cần hỗ trợ về rau, cá thì bà con khu vực sẵn lòng. Có khi còn đem sẵn cá, rau đến tặng; hoặc cho chúng tôi ra vuông giăng lưới bắt cá cải thiện bữa ăn”, một cán bộ Công an làm nhiệm vụ tại chốt Quản lộ Phụng Hiệp nói như khoe.
Đường bờ vuông trên địa bàn giáp ranh thời gian gần đây được các đối tượng khai thác hòng qua mắt lực lượng kiểm soát. Với công tác vận động quần chúng hiệu quả, vấn đề này không còn là mối lo.
Trong câu chuyện phát huy vai trò Nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng tôi còn thán phục trước sự chia sẻ quý giá của gia đình anh Nguyễn Xuân Thông ở Ấp 6, xã Tân Thành.
Nhà anh Thông ngay trên vạch phân định ranh giới 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu. Từ ngày 11/5/2021, khi tỉnh Cà Mau thiết lập chốt kiểm soát dịch Covid-19 đảm bảo an toàn cho địa bàn trên Quản lộ Phụng Hiệp, thì gia đình anh Thông đã ngưng hẳn việc mua bán tạp hóa hằng ngày - công việc vốn mang lại thu nhập chính cho gia đình. Anh và vợ còn tranh thủ phụ giúp cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, bộ đội làm cơm; lúc thì cho các anh mượn hẳn bếp, nhà để nấu ăn và nghỉ ngơi, sinh hoạt.
Anh Thông tâm sự: “Vợ chồng tôi thấy cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt rất cực nhọc chuyện ăn, nghỉ, sinh hoạt,... khu vực này lại ít hàng quán, nhà dân thưa. Thấy vậy, tôi bàn với gia đình cho các anh tạm sử dụng và sinh hoạt một phần diện tích nhà”.
“Những lúc “cùng ăn, cùng ở” chỉ mỗi canh cánh mối lo cho anh em đủ ăn, chỗ nghỉ, quên hẳn mối lo hàng ngày phải “tiếp xúc gần””, anh thiệt tình.
Giờ thì gia đình anh Thông như người thân của các lực lượng trực chốt. Giữa mùa dịch, lần giãn cách nối tiếp, anh Thông vẫn lạc quan: “Dịch bệnh hết, chúng tôi sẽ mở hàng bán lại”./.
Bài: Phong Phú. Ảnh: Trần Nguyên