(CMO) Dịch vi rút Corona mới đã được Tổ chức Y tế Liên hợp quốc WHO tuyên bố là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Toàn hệ thống chính trị Việt Nam đã vào cuộc để phòng, chống dịch bệnh. Cho đến thời điểm này có thể khẳng định, Việt Nam hoàn toàn chủ động, có nhiều phương án ứng phó với dịch bệnh và đang làm tốt nhất những gì có thể để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân. Thế nhưng, những dòng tin fake (tin giả), tin không đúng sự thật, tin chưa qua kiểm chứng lại tràn lan trên mạng xã hội. Đã thành thông lệ, những người sai phạm lần này lại là những người “của công chúng”, tức là có sức ảnh hưởng xã hội nhất định, có vị trí và chỗ đứng trong xã hội.
Đó là chưa kể đây đó rải rác trên các địa phương, nhiều tài khoản đăng tải tin tức không đúng sự thật, không có kiểm chứng liên quan đến dịch bệnh buộc nhà chức trách vào cuộc xử phạt, nhắc nhở. Chưa hết, trên các tài khoản mạng xã hội tràn lan những bài thuốc, liệu pháp điều trị được cho là có thể ngăn ngừa, thậm chí là trị khỏi khi bị mắc bệnh mà không có bất cứ căn cứ khoa học tin cậy nào. Theo trào lưu, nhiều khía cạnh liên quan đến dịch bệnh lại được dịp “ăn theo nói leo”, nào là sẽ dừng việc kiểm tra nồng độ cồn do nghi ngại lây lan dịch bệnh; Nào là vi rút Corona mới chỉ sống và phát triển ở thời tiết lạnh, còn nhiệt độ trên 30oC thì không tồn tại được…
Trong khi vi rút chưa gây bất kỳ thiệt hại nào về tính mạng cho con người trên lãnh thổ Việt Nam thì tin giả, tin thất thiệt đã gieo vào lòng người một nỗi hoang mang tột độ. Trong vòng xoáy khổng lồ của thông tin hiện nay, mọi người được khuyến cáo là hãy tiếp nhận và kiểm chứng thông tin một cách thông thái, từ những nguồn, những kênh chính thống và tuyệt đối không để mình bị ma mị từ việc “nghe đồn, nghe nói, nghe kể…”. Có một bình luận hết sức thú vị thế này: “Tốc độ lan truyền của tin giả, tin đồn thất thiệt lan truyền trên môi trường mạng còn nhanh hơn tốc độ lây lan của vi rút”. Do đó, phải thật sự tỉnh táo để thâu nhận thông tin có ích, chính xác để bảo vệ mình và những người xung quanh.
Việc lợi dụng nỗi sợ hãi để trục lợi là một vấn nạn nhức nhối của xã hội. Khi thông tin dịch bệnh vi rút Corona tại Việt Nam được công bố, ngay lập tức, một ngôi chùa ở Quảng Ninh đăng tải thông tin lập đàn giải bệnh. Dù ngành chức năng vào cuộc ngay sau đó, nhưng ấn tượng về ngôi chùa với những dư luận không hay trước đây buộc người ta phải trăn trở. Và gần như ngay lập tức, thị trường khẩu trang, dung dịch rửa tay bỗng dưng “nóng” lên một cách hết sức bất thường. Chiều 31/12, chúng tôi ghé một hiệu thuốc tây ở đường Ngô Quyền, Phường 1, TP Cà Mau, ngay lập tức nhận được thông báo hết hàng. Cố gắng nài nỉ, chỉ mua được vài cái khẩu trang lẻ với giá cao gấp đôi giá thực tế.
Sáng 1/2, một số tài khoản tại Cà Mau than phiền giá khẩu trang tăng cao đột biến. Nhiều nơi từ chối bán hàng vì lý do… chưa nhập về kịp. Thông tin từ các tờ báo chính thống, các thị trường như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giá khẩu trang thậm chí tăng 200-300%. Chính phủ, chính quyền các địa phương ngay lập tức có những chỉ đạo, lập đường dây nóng để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến việc găm hàng, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn tay…
Vậy nhưng, chúng ta không hề bi quan, tuyệt vọng. Trong nỗi lo lắng tột độ, vẫn có rất nhiều hình ảnh đẹp của tổ chức, cá nhân, thậm chí là của các nhà thuốc đứng ra phát khẩu trang miễn phí cho mọi người. Sự sẻ chia, cảm thông chính là sức mạnh kết nối, nhân lên niềm tin để cộng đồng cùng vượt qua những khó khăn cam go nhất.
Còn một tật xấu khác mà chúng ta chưa bao giờ thấy tác hại của nó lại ghê gớm đến thế, đó là việc khạc, nhổ bừa bãi nơi công cộng. Đối với dịch bệnh do vi rút Corona mới gây ra, thói quen này chính là con đường lây nhiễm nhanh nhất, trực tiếp nhất. Một vấn đề khác, đó là những cuộc tiệc tùng, tưởng đâu không liên quan đến dịch bệnh, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Đó là thói quen gắp thức ăn cho nhau, uống cùng một ly rượu với nhau. Tất cả những hành vi này đều có nguy cơ làm lây nhiễm vi rút nếu tình hình dịch bệnh phức tạp hơn. Cả thói quen che miệng khi hắt xì, ho cũng cần phải được nhắc lại đối với tất cả mọi người. Cuối cùng, một thói quen có thể cứu sống bạn và những người xung quanh, cực kỳ đơn giản, nhưng nhiều người xem nhẹ: Rửa tay bằng xà phòng.
Trong nỗi lo dịch bệnh, hãy cùng nhau vững tin, chia sẻ và giữ được bình tĩnh để có được lựa chọn tốt nhất cho bản thân mỗi người./.
Phạm Quốc Rin