(CMO) Hiện nay, đa số các xã ở vùng nông thôn của Cà Mau chỉ có 1 trường mầm non, vì vậy rất khó khăn cho việc đến trường của các em nhà ở xa. Các trường phải mở thêm nhiều điểm lẻ để tiện cho việc học tập của các em.
Trường Mầm non Phong Lạc (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) được thành lập từ năm học 2008-2009, hiện có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Điểm chính của trường nằm gần UBND xã với 4 phòng học và 1 phòng chức năng. Trước đây, khi mới thành lập, trường chỉ có 3 phòng học, không đủ phòng nên phải lấy 1 phòng chức năng làm phòng học cho trẻ.
Thiếu trường lớp, giáo viên
Năm học 2016-2017, toàn trường có 210 trẻ/9 lớp, trong đó phần lớn là trẻ 5 tuổi. Thiếu phòng học nên trường mượn phòng của trường tiểu học để dạy các em vào buổi chiều. Do thiếu cơ sở vật chất nên điểm chính và điểm lẻ của trường chưa có bếp ăn, nhà bán trú nên nhà trường không thể tổ chức dạy bán trú.
Học sinh Trường Mầm non Phong Lạc vui chơi với đồ chơi được làm từ vật dụng đã bỏ đi. |
Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Việc không thể tổ chức dạy bán trú tại trường cũng gây khó khăn cho việc học của các em. Đối với các em nhà xa, khi tan học buổi sáng về nhà chỉ kịp ăn uống một chút rồi lại phải đi học tiếp, không có thời gian ngủ trưa, không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Không dạy bán trú nên phụ huynh buộc phải đưa đón con 4 lượt/ngày, nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con với công việc của bản thân”.
Anh Nguyễn Văn Đen (ấp Lung Giồng, xã Phong Lạc) bộc bạch: “Tôi rất mong trường có thể tổ chức dạy bán trú để tiện cho việc học tập của trẻ. Nhà tôi ở xa, mỗi ngày phải đưa đón con đi học đến 4 lần nên gặp nhiều khó khăn. Kinh tế gia đình khó khăn nên tôi phải làm lụng suốt ngày, không có nhiều thời gian cho việc đưa đón con, có bữa còn phải bỏ dở việc để đón con cho kịp giờ”.
Trường Mầm non Lợi An (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) cũng không khá hơn. Trường hiện có 1 điểm chính và 7 điểm lẻ, các điểm lẻ thì mượn phòng của trụ sở để dạy cho trẻ. Tại các điểm lẻ này, đồ chơi và trang thiết bị dạy học đều thiếu, chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập.
Việc mở thêm nhiều điểm lẻ dạy cho trẻ đồng nghĩa với việc phải có thêm giáo viên. Hiện nay, một số trường mầm non trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đang lâm vào tình trạng thiếu giáo viên. Các trường đều phải chọn cho mình giải pháp thỉnh giảng giáo viên để giải quyết tình trạng trước mắt.
Thầy Phạm Việt Bắc, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Trần Văn Thời, bày tỏ: “Tình trạng thiếu hụt giáo viên mầm non trên địa bàn huyện đang là vấn đề khó khăn nhất mà phòng giáo dục đang tìm biện pháp khắc phục. Thiếu giáo viên nên công tác giảng dạy và chăm sóc trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Mong rằng trong thời gian tới sẽ xin được nhiều hợp đồng giáo viên mầm non hơn để đảm bảo việc dạy và học”.
Phụ huynh chưa quan tâm
Nhu cầu cho con đến trường của phụ huynh là rất lớn, nhưng trong điều kiện còn thiếu thốn ở một số trường như hiện nay trường thường ưu tiên cho trẻ 5 tuổi.
Thầy Bắc cho biết thêm: “Trên địa bàn huyện hiện vẫn còn 4% trẻ vào học lớp 1 khi chưa hoàn thành chương trình bậc học mầm non. Đó là một thiệt thòi không nhỏ đối với trẻ. Do chưa được đi học trước nên trẻ còn bỡ ngỡ, kỹ năng giao tiếp hạn chế, không theo kịp các bạn đã được học ở bậc mầm non, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của trẻ sau này”.
Ngoài khó khăn về trường lớp, ở nông thôn không ít phụ huynh vẫn coi nhẹ, cho rằng việc con học mẫu giáo là không cần thiết. Họ thường lấy các lý do như gia đình khó khăn, không có người đưa đón hoặc muốn giữ con ở nhà. Chỉ đợi đến khi các em đủ tuổi rồi cho vào học lớp 1, khiến cho các em không có nền tảng của cấp học mầm non, khó có thể tiếp cận tốt chương trình lớp 1.
Cô Lê Ngọc Lánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lợi An, bày tỏ: “Tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh toàn trường luôn mong trường được đầu tư xây dựng thêm phòng học, đồ dùng, trang thiết bị cho việc dạy và học. Có đủ điều kiện tổ chức bán trú để phụ huynh yên tâm gửi cháu, có thời gian phát triển kinh tế gia đình. Các trẻ cũng có thêm nhiều thời gian để học tập, vui chơi hơn, phục vụ tốt nhất nhu cầu của trẻ"./.
Nguyên Thảo