(CMO) Tỉnh Cà Mau hiện có 96 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma tuý. Trong năm 2019, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động tệ nạn xã hội (TNXH), các đội kiểm tra liên ngành đã chuyển cơ quan chức năng lập hồ sơ trên 110 đối tượng dương tính với ma tuý.
Hệ luỵ do ma tuý gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, trong công tác phòng, chống ma tuý, việc tổ chức cai nghiện luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng hiện tại, nhiều quy định của văn bản pháp luật không thống nhất, thiếu đồng bộ… Luật Phòng, chống ma tuý quy định cai nghiện bắt buộc cho người từ 12-18 tuổi, trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện (CSCN) bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Thế nên, chính quyền địa phương lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Cai nghiện đã khó
Học viên được học nghề trong thời gian cai nghiện ma tuý. |
Thời gian cai nghiện phải qua nhiều giai đoạn, quy trình điều trị. Song, thường chỉ khoảng 10 ngày, học viên sẽ được tiếp nhận, phân loại để cắt cơn giải độc, sau đó được đưa vào các khu quản lý để tiếp tục điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; được giáo dục, học tập và chăm sóc, tư vấn phục hồi sức khoẻ, giáo dục đạo đức, lối sống… để cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, học viên được học một số nghề phổ thông cơ bản, tham gia lao động trị liệu, trang bị kiến thức, kỹ năng sống…
Tuy nhiên, hiện nay, CSCN ma tuý tỉnh thiếu cán bộ y tế có chuyên môn phục hồi sức khoẻ cũng như lãnh đạo phòng chuyên môn. Trong khi đó, phòng ở cho học viên lại quá tải, không có phòng để cách ly học viên vi phạm, học viên bị các bệnh truyền nhiễm như HIV và bệnh lao… Đến thời điểm này, CSCN ma tuý tỉnh đang quản lý hơn 610 học viên (trong đó có 25 học viên bị nhiễm HIV).
Trong năm 2019, điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng (Phường 4, TP Cà Mau) đã tư vấn cho trên 200 người nghiện, gia đình người nghiện ma tuý trên địa bàn thành phố về thủ tục đi cai nghiện ma tuý tự nguyện và các chế độ chính sách dành cho người cai nghiện… Tuy nhiên, do không thống nhất văn bản quy định pháp luật nên người nghiện ma tuý dưới 18 tuổi đang bị bỏ ngỏ. Và, do kiều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo nên công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng chưa phát huy hiệu quả.
“Theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng là do chính quyền địa phương và gia đình trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, chính quyền vào cuộc chưa quyết liệt, không ít gia đình không có điều kiện kinh phí lo cho con em cai nghiện nên cũng buông lơi trách nhiệm”, bà Nguyễn Thanh Thoảng, chuyên viên Chi cục Phòng, chống TNXH tỉnh Cà Mau, cho biết.
Chống tái nghiện càng gian nan
Năm 2019, CSCN ma tuý tỉnh đã cho về hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng trên 550 học viên. Đối tượng này do chính quyền địa phương quản lý, giáo dục, tạo điều kiện cho lao động.
Tuy nhiên, thực tế là học viên sau cai nghiện không tránh khỏi sự kỳ thị của xã hội, dẫn đến tự ti, mặc cảm mà phần đông là lười lao động, không phấn đấu, tiếp tục cuộc sống buông thả và lại tìm đến ma tuý. Không ít đối tượng sau cai nghiện không thường xuyên ở nơi cư trú, tự ý bỏ đi nơi khác nhưng không khai báo với chính quyền… gây khó khăn cho công tác chống tái nghiện.
“Trước đây cũng có vài trường hợp, bằng mối quan hệ, địa phương xin cho học viên sau cai nghiện vào lao động tại một vài công ty đóng trên địa bàn, nhưng chỉ được vài ngày thì đối tượng này đã xin nghỉ việc. Phường có phân công cán bộ đến động viên, nhưng gia đình cũng chẳng mấy quan tâm”, Phó chủ tịch UBND Phường 8, TP Cà Mau Nguyễn Thuỳ Trang cho biết.
Ngoài việc lơ là trách nhiệm của gia đình thì không ít địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu chặt chẽ công tác phối hợp quản lý giữa các đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể. Ngoài ra, hầu hết cán bộ đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn là cán bộ kiêm nhiệm, nên việc quản lý, giúp người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng còn nhiều hạn chế.
Đã qua, Chi cục Phòng, chống TNXH đã tham mưu Sở LĐ-TB&XH trình cơ quan thẩm quyền xem xét quy định mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở công lập quản lý người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma tuý, cũng như mức hỗ trợ và đóng góp đối với người cai nghiện ma tuý tự nguyện trên địa bàn tỉnh. “Tới đây, chi cục tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT về công tác dự phòng, cai nghiện ma tuý đối với học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, xin chủ trương xây dựng nghị quyết quy định mức hỗ trợ và đóng góp đối với người cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh”, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH tỉnh Cà Mau Lý Việt Thống cho hay.
Cai nghiện ma tuý đã gây tốn kém tiền, công sức của nhiều người mà chống tái nghiện là cuộc chiến nhọc nhằn hơn. Ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự mở rộng vòng tay nhân ái của xã hội thì hơn bao giờ hết, chính bản thân người nghiện phải vượt qua thách thức để đoạn tuyệt với tệ nạn này./.
Mỹ Pha