Vừa qua, Ðoàn Kiểm tra thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính (VPHC) tỉnh, do ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, làm Trưởng đoàn, có buổi kiểm tra thực tế tại TP Cà Mau. Qua đó, đoàn ghi nhận nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác này tại địa phương.
Theo đánh giá của UBND TP Cà Mau, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và đạt kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn. Hằng năm, UBND thành phố ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL) và triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, đạt hiệu quả.
Theo đánh giá của UBND TP Cà Mau, thời gian qua, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và điều kiện đảm bảo công tác xử lý VPHC còn hạn chế. (Ảnh chụp lực lượng nghiệp vụ Công an TP Cà Mau kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ).
Từ ngày 1/1/2022-30/3/2023 (niên độ kiểm tra), UBND TP Cà Mau đã ban hành nhiều quyết định xử phạt VPHC, qua đây đã tạo sự răn đe, cũng như thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Cụ thể, lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát hiện 54 vụ vi phạm, trong đó xử phạt VPHC 12 vụ, nhắc nhở 42 vụ; lĩnh vực thuế phát hiện và ra quyết định xử phạt 34 vụ. UBND thành phố ban hành 59 quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực xây dựng, đường thuỷ nội địa, đường bộ; 98 quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai, môi trường và tài nguyên khoáng sản; 26 quyết định trong lĩnh vực y tế...
Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong công tác này. Ông Bùi Tứ Hải, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và điều kiện đảm bảo cho công tác xử lý VPHC tại địa phương còn hạn chế; phương tiện thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ còn thiếu. Việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính gặp khó khăn do đối tượng vi phạm không có tài khoản cá nhân, một số không có nơi ở ổn định, là người dân nghèo không có nghề nghiệp và thu nhập, tài sản không có giá trị kê biên. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và ngăn chặn hành vi còn hạn chế. Ðối với vấn đề kinh phí dành cho việc triển khai thực hiện công tác xử lý VPHC, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên các địa phương còn lúng túng trong việc phân bổ và chi cho công tác này trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện xử lý VPHC, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, một số ngành, địa phương đôi lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ. Việc tiếp cận thông tin, tiếp cận văn bản pháp luật mới của một số ít cán bộ, công chức làm công tác này chưa kịp thời. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao.
Đoàn kiểm tra yêu cầu thời gian tới TP Cà Mau cần quan tâm hơn trong công tác phối hợp xử phạt vi phạm hành chính, cũng như theo dõi các quyết định xử phạt đã ban hành. (Ảnh ngành chức năng trên địa bàn Phường 2 phối hợp để xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè).
Một khó khăn nữa, theo ông Bùi Tứ Hải, nội dung các luật về điều chỉnh hành vi dân sự còn nhiều điểm chưa phù hợp. Chẳng hạn, khi hành vi bạo lực gia đình xảy ra thì khó xử lý theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, đa số phải xử lý theo lĩnh vực an ninh trật tự, do đó nhiều trường hợp xử lý không đúng hành vi, bởi, nếu xử lý theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì thiếu tính răn đe.
“Khoản 5, Ðiều 58, Luật Xử lý VPHC quy định: “Trường hợp VPHC không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển giao cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản...”, thời gian quy định trên là quá ngắn, vì có những vụ việc phức tạp, cần thời gian để xác minh, làm rõ hành vi vi phạm; thời gian 24 giờ không đủ cho việc hoàn thiện hồ sơ để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt”, ông Bùi Tứ Hải phản ánh.
Ông Phạm Quốc Sử nhấn mạnh, việc theo dõi THPL là hoạt động nhằm xem xét, đánh giá thực trạng THPL, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả THPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật. “Ðể hoạt động này mang lại hiệu quả trong thời gian tới, địa phương quan tâm tổ chức thi hành kịp thời, thiết lập trật tự kỷ cương hành chính, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến khó khăn, bất cập từ các quy định pháp luật và thực thi pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước... Yêu cầu quan trọng là đảm bảo các quyết định sau khi được ban hành phải được thi hành đảm bảo đúng thời gian. Cùng với đó là không được trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng bị kiểm tra”./.
Văn Ðum