(CMO) Tính từ năm 2013 đến nay, Toà án Nhân dân 2 cấp của tỉnh đã thụ lý 9 vụ, liên quan đến 12 bị cáo và đã đưa ra xét xử 8 vụ, 11 bị cáo liên quan đến vi phạm môi trường. Còn 1 vụ, 1 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ", theo quy định tại Điều 190, Bộ luật Hình sự, vẫn chưa được xử lý.
"Nghị định số 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành gần 1 năm qua, tuy nhiên, các hành vi vi phạm về môi trường vẫn diễn ra, thậm chí nhiều người dân không biết đến nghị định này. Các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn về quy trình xử phạt các trường hợp vi phạm", đây là nhận định của Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Cương tại hội thảo thực trạng tổ chức thi hành các quy định về tội phạm môi trường do Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau tổ chức ngày 29/9 vừa qua.
Ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ngày càng trầm trọng. |
Đại tá Lê Hoàng Sách, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh, cho biết, thời gian qua, lực lượng công an đã kiên quyết xử lý các vụ vi phạm về môi trường, vi phạm ở mức độ nào sẽ áp dụng hình thức xử phạt ở mức độ đó. Nhưng hành vi vi phạm về môi trường, nhất là việc xả chất thải trực tiếp ra môi trường như không khí, đất, nước... vẫn chưa xử lý hình sự vì còn nhiều vướng mắc.
Đơn cử việc xác định như thế nào là "xả thải gây hậu quả nghiêm trọng", hoặc "xả thải gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" rất khó xác định. Theo quy định, hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường phải bị xử lý hành chính, nếu chưa xử lý hành chính thì chưa thể xử lý hình sự. Chưa hết, trong xử lý vi phạm về môi trường bắt buộc phải tổ chức lấy mẫu, giám định xem mức độ xả thải như thế nào, nhưng hiện nay điều kiện, phương tiện, thiết bị để phục vụ công tác này của lực lượng chức năng còn thiếu thốn; trình độ chuyên môn chưa được đào tạo bài bản. Sự phối hợp giữa lực lượng công an với các đơn vị chức năng như Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị khác có nhiều bất cập.
Viện trưởng Nguyễn Văn Cương chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường: "Về pháp luật, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất trong các quy định về tội phạm môi trường cũng như sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Trong số 11 tội danh thuộc Chương các tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự năm 1999, Sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì chỉ có 2 tội danh liên quan đến lĩnh vực bảo vệ rừng và động vật hoang dã có văn bản hướng dẫn, còn các tội khác về gây ô nhiễm môi trường chưa có văn bản hướng dẫn. Các tình tiết định tội, định khung hình phạt chưa được định tính, định lượng (thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hậu quả nghiêm trọng, ô nhiễm nghiêm trọng…). Do đó, khi có hành vi vi phạm xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng không có định lượng cụ thể để đánh giá, dẫn đến không khởi tố được"./.
Trung Đỉnh